Sóc Trăng:

Anh nông dân đánh liều nuôi con nhiều người khiếp sợ, thu lãi khủng

Bảo Kỳ

(Dân trí) - 7 năm trước, anh Phan Thanh Bình (37 tuổi, ở Sóc Trăng) chuyển từ nghề kinh doanh sang chăn nuôi rắn hổ mang. Với diện tích nuôi rắn chỉ 400m2, anh thu lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

Thất bại nhưng không bỏ cuộc

Trại rắn của anh Bình tọa lạc tại ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Anh Bình cho biết, trước đây anh kinh doanh tự do, khoảng năm 2014 thì chuyển sang chăn nuôi động vật như baba, chồn hương, cua đinh và rắn hổ mang với số lượng nhỏ.

Anh nông dân đánh liều nuôi con nhiều người khiếp sợ, thu lãi khủng - 1

Anh Phan Thanh Bình bắt tay vào nghề nuôi rắn hổ mang từ năm 2014 (Ảnh: Bảo Kỳ).

Rắn hổ mang được anh Bình mua từ những người chuyên làm nghề bắt rắn ở ngoài tự nhiên. Mỗi đợt anh mua được vài chục con rồi thả chung một chuồng để chúng sống cộng sinh với nhau. Thời gian đầu nuôi, rắn chết khá nhiều. Khi tìm hiểu nguyên nhân, anh Bình mới "vỡ lẽ" đã nuôi sai cách.

"Mình để rắn đực, cái lẫn lộn, thả mấy chục con trong diện tích nhỏ quá khiến rắn cắn xé lẫn nhau, tranh giành thức ăn dẫn đến hao hụt nhiều. Thêm nữa, nuôi nhốt quá nhiều khiến chuồng rắn mau dơ, dễ phát sinh mầm bệnh", anh Bình lý giải.

Anh nông dân đánh liều nuôi con nhiều người khiếp sợ, thu lãi khủng

Rút kinh nghiệm lỗ lã đợt đầu, anh chuyển sang nuôi rắn trong từng chuồng riêng, dành thời gian tìm hiểu tập tính của rắn để chúng không bị stress khi nuôi trong môi trường nhân tạo.

Vì trót đam mê "mãng xà" nên mặc dù bị lỗ lã anh Bình quyết không bỏ cuộc. Dù những vật nuôi khác như cua đinh, chồn hương vẫn cho lợi nhuận nhưng anh Bình quyết bán hết con giống, chuyển toàn bộ trang trại sang nuôi rắn hổ mang.

Anh nông dân đánh liều nuôi con nhiều người khiếp sợ, thu lãi khủng - 2

Theo anh Bình, một con rắn cái có thể đẻ 25 trứng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo chủ trang trại, nuôi rắn hổ mang không khó nhưng phải biết cách xây dựng chuồng trại và theo dõi tình trạng sức khỏe của rắn. 

Chuồng nuôi nhốt rắn phải được xây bằng gạch kiên cố, gồm chuồng đứng hoặc chuồng nằm nhưng phải có lưới và khóa cẩn thận để tránh cho rắn bò đi đồng thời đảm bảo an toàn cho người nuôi. Nơi rắn ở phải khô ráo, thoáng mát, không bị dột nước, đảm bảo nhiệt độ ổn định 30-32 độ C.

Anh nông dân đánh liều nuôi con nhiều người khiếp sợ, thu lãi khủng - 3

Rắn trưởng thành được nuôi nhốt trong chuồng riêng (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Rắn con được nuôi trong chuồng khoảng 2m2, số lượng khoảng 50 con. Riêng rắn lớn phải nhốt riêng, chiều dài chuồng 1m, rộng 40cm", anh Bình nói thêm.

Chi phí thấp, lãi cao

Rắn hổ mang nuôi khoảng 2 năm có thể ghép cặp sinh sản. Rắn giao phối mỗi năm một lần, thời điểm giao phối bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, thời gian ghép cặp khoảng một tuần lễ. Một con rắn cái có thể đẻ 25 trứng. Mỗi đợt rắn đẻ, anh Bình sẽ thu gom lại rồi ấp trong môi trường nhân tạo 60 ngày thì trứng nở, tỷ lệ nở đạt 90-95%.

Anh nông dân đánh liều nuôi con nhiều người khiếp sợ, thu lãi khủng - 4

Rắn hổ mang nuôi khá tiết kiệm vì 5 ngày chúng mới ăn một cữ. Thức  ăn của rắn chủ yếu là động vật tươi sống như vịt, gà con, cá, ếch, nhái…

Rắn hổ mang nuôi khá tiết kiệm vì 5 ngày chúng mới ăn một cữ. Thức ăn của rắn chủ yếu là động vật tươi sống như vịt, gà con, cá, ếch, nhái… Khoảng 7-10 ngày phải châm nước cho rắn uống. Trong mỗi chuồng rắn cần được bỏ thêm đất khô để cho rắn vệ sinh vào phần đất đó. Mỗi ngày anh Bình sẽ kiểm tra chuồng để lấy da mà rắn lột.  

Cũng theo chủ trang trại, môi trường ở miền Tây rất thích hợp nuôi rắn hổ mang vì thời tiết nóng nên thời gian ngủ đông của rắn được rút ngắn hơn so với các tỉnh phía Bắc. Mỗi năm, anh chỉ cho rắn ngủ đông hơn một tháng. Hết thời gian ngủ đông, anh sẽ cho rắn ăn khoảng 5 - 6 cữ mồi thì bắt đầu cho giao phối.

Anh nông dân đánh liều nuôi con nhiều người khiếp sợ, thu lãi khủng - 5

Anh Bình bên con rắn hổ mang 6 tháng tuổi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Hiện tại anh Bình đã xây dựng được cơ sở chuyên canh rắn hổ mang rộng 400m2 với hơn 1.500 chuồng rắn, sức chứa được 10.000 con rắn giống và rắn thương phẩm.

Rắn giống nuôi đạt kích cỡ từ một ngón tay có thể xuất bán với giá từ 100.000 đến 200.000 đồng/con. Riêng rắn thịt từ hơn 2kg được mua với giá 700.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh Bình còn cung cấp nọc rắn dùng trong sản xuất dược liệu Đông y.

Anh nông dân đánh liều nuôi con nhiều người khiếp sợ, thu lãi khủng - 6

Anh Bình lấy da rắn vừa lột xong (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nhờ mạnh dạn tăng đàn, có quy trình nuôi phù hợp, từ năm 2017 anh Bình đã bắt đầu cung cấp rắn thịt và rắn giống ra thị trường. Tổng thu nhập mỗi năm, sau khi trừ tất cả chi phí, anh bỏ túi từ 600 triệu đồng trở lên.