Trà Vinh:
Nuôi lươn không bùn, anh nông dân miền Tây "đút túi"nửa tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Nhẹ công chăm sóc, tiết kiệm chi phí và dễ dàng di chuyển, mô hình nuôi lươn không bùn của anh nông dân Tô Phước Mạnh (tỉnh Trà Vinh) đã cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.
Trước đây, anh Tô Phước Mạnh (44 tuổi, ngụ ấp Giồng Lớn, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) nuôi rắn ri voi nhưng do khá tốn kém trong khâu thức ăn. Do đó, anh nghĩ ra thêm nuôi lươn để lấy phân làm thức ăn cho cá trê, rồi lấy cá trê cho rắn ăn.
Ban đầu anh Mạnh chỉ tập trung nuôi rắn nhưng sau một năm sản xuất thấy lươn sinh trưởng nhanh hơn rắn và có đầu ra ổn định. Từ đó, anh Mạnh quyết định đầu tư quy mô, mở rộng chuồng trại nuôi lươn không bùn vào năm 2017.
Cũng như bao nông dân khác, thời gian đầu anh Mạnh nuôi lươn trong bể xi măng, vỉ lót bằng cây nhưng khi vệ sinh, thay nước thấy rất cực nhọc. Đặc biệt, nuôi lươn theo cách này rất khó kiểm soát lượng thức ăn thừa và thức ăn tan nhanh trong nước ảnh hưởng đến môi trường sống của lươn.
"Thấy vậy tôi thiết kế giá thể khác để làm tổ cho lươn trú ngụ. Tôi dùng ống nước làm phao nổi lót thêm 3 lớp lưới và một lớp vỉ nhựa trên mặt. Khi cho ăn chỉ cần rải thức ăn trên lưới, lươn sẽ chui rúc lên trên để ăn, mình kiểm soát thức ăn thừa tốt hơn", anh Mạnh chia sẻ.
Sau những lần cải tiến giá thể bể nuôi lươn với nhiều chất liệu khác nhau, cuối cùng anh đã tìm ra chất liệu tốt nhất là nhựa composite. Theo anh Mạnh, nhựa composite có độ bền cao, thích hợp môi trường nước và dễ di chuyển nên anh đặt hàng gia công một số bể để nuôi thử nghiệm từ tháng 4/2021.
Bể lươn composite được anh nông dân này thiết kế diện tích 9m2, tương ứng mật độ nuôi 3.000 con lươn thương phẩm. Lươn giống được ươm từ 2 đến 3 tháng sẽ thả ra bể nuôi thêm 10 tháng thì thu hoạch.
Lươn đạt trọng lượng 200 gram/con xếp vào loại một, từ 120 gram đến dưới 200 gram xếp loại 2 và dưới 120 gram là loại 3.
Với trang trại rộng 600 m2, anh Mạnh có 19 bể nuôi lươn, trong đó có 8 bể diện tích 16 m2 và 11 bể 9 m2, tổng đàn khoảng 65.000 con lươn. Tận dụng không gian trống, anh còn thiết kế thêm 3 hồ nước có thả cá chép Koi để lọc nước nuôi lươn và một ao cá trê xử lý chất thải của lươn.
"Để có lươn giống và lươn thịt cung cấp quanh năm mình sẽ nuôi xoay vòng, tính ra mỗi năm có thể nuôi được 2 vụ. So với bể xi măng, thời gian nuôi lươn trong bể composite vẫn không khác biệt nhưng bù lại tiết kiệm công sức vệ sinh bể chứa", anh Mạnh nói thêm.
Về quy trình chăm sóc, thức ăn cho lươn là thức ăn viên có độ đạm từ 25-40%, khẩu phần 3 lần/ngày. Sau khi cho lươn ăn hơn một tiếng sẽ tiến hành vệ sinh bể nuôi. Nếu trước kia anh phải mất khoảng 30 phút để vệ sinh, thay nước xong một bể thì hiện tại chỉ mất khoảng 3 phút để hoàn thành các công đoạn trên.
Nhờ quy trình chăn nuôi có kỹ thuật nên lươn thương phẩm của anh Mạnh đạt chất lượng cao. Mỗi bể thu hoạch khoảng hơn một tấn, đa phần là lươn loại nhất.
"Với giá bán hiện tại từ 105.000-115.000 đồng/kg, giảm hơn lúc trước dịch gần 50.000 đồng nhưng tôi vẫn có lời. Bình quân mỗi tấn tôi có thể lãi từ 35-45 triệu đồng. Nuôi lươn theo cách này giúp con lươn khỏe, ít bệnh nên lợi nhuận cũng sẽ cao hơn", chủ trang trại lươn giống tiết lộ.
Được biết, trong năm 2020, anh Mạnh xuất bán khoảng 15 tấn lươn, trừ hết chi phí anh "đút túi" hơn 500 triệu đồng. Cơ sở của anh vừa cung cấp lươn giống theo mẫu từ 100 đến 2.000 con cho các tỉnh, thành ở miền Tây và Đông Nam Bộ. Riêng với lươn thương phẩm, anh đã cung cấp cho một số công ty xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Hoàng Nam, Phó trưởng Phòng hành chánh Trung tâm Thông tin, Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, cho biết phía trung tâm đã gia công cho anh Mạnh gồm 8 bể 2m3 và 10 bể 1m3 bằng chất liệu composite.
"Chất liệu composite có nhiều ưu điểm để nhẹ, dễ di chuyển, dễ vệ sinh và đặc biệt độ bền của nó cũng khá cao. Anh Mạnh còn thiết kế thêm bộ vỉ nhựa làm giá thể giúp lươn phát triển nhanh, tiết kiệm thức ăn và đỡ tốn công vệ sinh. Những cách làm này sẽ tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi", ông Nam đánh giá.