Nuôi loài đặc sản đen sì, ăn toàn thứ rẻ tiền, anh nông dân sống khỏe
(Dân trí) - Để nuôi ốc bươu hữu cơ, anh Trần Vũ Tuấn chọn bể xi măng với hệ thống điều tiết nước tự động. Thức ăn được tận dụng từ trái cây, rau củ phế phẩm. Chi phí thấp, ốc bươu mang lại cho anh thu nhập khá.
Bỏ phố về quê nuôi ốc
Mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2019, anh Trần Vũ Tuấn (48 tuổi, ở thôn Xuân Kỳ, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) bỏ phố về quê lập nghiệp với mô hình nuôi ốc bươu đen.
"Sau nhiều năm bôn ba với nghề trang trí xây dựng, dù thu nhập khá nhưng công việc không ổn định, tôi quyết tâm chuyển hướng. Nhận thấy thị trường tiêu thụ ốc bươu đen còn rộng mở nên tôi thử sức, không ngờ mô hình sớm cho hiệu quả cao", anh Tuấn cho hay.
Không có kinh nghiệm, anh Tuấn lặn lội vào tận Đồng Nai học kỹ thuật nuôi, đồng thời tìm tòi trên mạng internet để bổ sung kiến thức. Trở về quê, anh cải tạo hơn 1.000m2 đất vườn tạp của gia đình, trong đó hơn 500m2 xây dựng 39 hồ xi măng, diện tích mỗi hồ 10m2, có hệ thống điều tiết nước tự động, nuôi 2.500-3.000 con ốc.
Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm, cùng với việc trại nuôi thiếu nguồn nước cung cấp vào mùa hè, ốc bị nhiễm bệnh, thất thoát. Không nản chí, anh Tuấn dành nhiều thời gian "ăn ngủ" cùng ốc, tìm cho được nguyên nhân để khắc phục.
Lần thứ hai, anh tiếp tục mua giống thả nuôi với lòng tin sẽ có hiệu quả. Nhờ đã có kinh nghiệm, vững kỹ thuật nên ốc dần phát triển và sinh trưởng tốt. Sau một năm nuôi hiệu quả, anh Tuấn đầu tư thêm 12 hồ lót bạt và 2 hồ đất trên diện tích 200m2.
Để có đầu ra ổn định, anh Tuấn chủ động liên kết thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, đồng thời tham gia các hội, nhóm nuôi ốc bươu đen trên mạng xã hội để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.
Qua nhiều vụ nuôi, anh Tuấn chia sẻ, ốc bươu đen là loài dễ nuôi. Thức ăn của ốc khá đa dạng và có sẵn, tự nhiên như rau, cỏ, củ, quả. Người nuôi chỉ cần duy trì mực nước trong hồ sâu hơn 1m và thả bèo vừa làm nguồn thức ăn vừa che nắng cho ốc. Mỗi lứa ốc chỉ 3- 4 tháng là có thể xuất bán.
"Tôi trồng bầu, bí phía trên các ao nuôi góp phần che chắn và tận dụng làm thức ăn cho ốc. Đất trống quanh vườn cũng trồng thêm các loại rau, cỏ nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Mỗi năm tôi làm 2 vụ, mỗi vụ xuất bán trên 2 tấn ốc thương phẩm, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng", anh Tuấn cho biết.
Thử nghiệm nuôi lươn đồng sống chung với ốc bươu
Để chủ động con giống và ốc thương phẩm cung ứng cho thị trường, anh Tuấn đưa quy trình nuôi ốc bố mẹ sinh sản vào sản xuất.
Ốc bươu đen sinh sản quanh năm nhưng rộ nhất là từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Tuy nhiên ốc sinh sản tự nhiên có tỷ lệ nở thấp. Để có nguồn giống chất lượng, mỗi ngày, anh Tuấn đều gom trứng cho vào thùng ấp. Để trứng phát triển tốt, anh thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ, giữ cho thùng ấp luôn đạt độ ẩm thích hợp.
Theo anh Tuấn, mùa hè trứng ấp 7-10 ngày là có thể đưa ra ao nuôi ốc giống. Vào mùa đông, khoảng 15-20 ngày, trứng mới nở thành ốc con. "Quá trình ấp trứng, người nuôi phải phun nước thường xuyên 2 lần/ngày để giữ độ ẩm", anh Tuấn trao đổi.
Không chỉ mua ốc thương phẩm, nhu cầu mua ốc giống của người dân cũng rất nhiều. Có thời điểm anh Tuấn không đủ ốc giống để bán. Mỗi năm, anh cung ứng ra thị trường trên 3 vạn ốc giống, bán với giá 400-700 đồng/con tùy kích cỡ.
Ngoài nuôi ốc bươu đen, trên diện tích đất vườn còn dư, anh Tuấn cho trồng thêm ổi, mít, cau và chăn nuôi gà, vịt, bò để xoay vòng vốn. Đặc biệt, anh Tuấn cũng đang cho nuôi thử nghiệm lươn đồng sống chung với ốc bươu đen.
Chia sẻ về ý tưởng này, anh Tuấn nói, trong một lần vớt bèo về thả vào hồ có lẫn những con lươn đồng, anh để nuôi vài tháng thì phát hiện lươn và ốc vẫn phát triển bình thường. Hơn nữa, lươn còn sinh trưởng tốt trong bể nuôi ốc và có màu vàng đẹp.
"Ốc sống ở tầng mặt, lươn sống tầng đáy nên không ảnh hưởng đến nhau. Những con ốc hao hụt trở thành thức ăn cho lươn. Bên cạnh đó tôi nuôi thêm trùn quế để bổ sung thực phẩm cho lươn. Giá bán lươn cao gấp 3 lần ốc bươu. Tôi thấy mô hình này triển vọng nên đang nhân rộng", anh Tuấn chia sẻ thêm.
Theo ông Văn Đức Mạnh - Chủ tịch Hội nông dân xã Điện Quang, mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Trần Vũ Tuấn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, đem lại giá trị kinh tế cao.