1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Đợi nắng, làng "phở lưới B40" mướt mồ hôi chạy đua Tết

Ngô Linh

(Dân trí) - Món phở sắn độc lạ của người dân huyện Quế Sơn (Quảng Nam) vẫn được gọi vui là "hàng rào B40", bởi hình dạng như tấm lưới rào chắn. Những ngày này, làng nghề tất bật chạy đua cùng Tết.

Tất bật dưới nắng xuân

Những ngày cận Tết Quý Mão, làng nghề phở sắn thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) tất bật sản xuất để kịp cung ứng thị trường. Trời có nắng ấm, không khí lao động thêm nhộn nhịp, nhà nhà đẩy nhanh tiến độ sau thời gian công việc đình trệ vì mưa lạnh kéo dài.

Đợi nắng, làng phở lưới B40 mướt mồ hôi chạy đua Tết - 1

Làng phở sắn thị trấn Đông Phú nổi tiếng huyện Quế Sơn, Quảng Nam.

Nhanh tay đưa từng vỉ bánh đi phơi, ông Trương Đăng Nhẫn  - tổ trưởng tổ làng nghề phở sắn Đông Phú, Quế Sơn cho hay, mỗi ngày, gia đình ông sản xuất hơn 70kg bánh, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.

"Cận Tết, mưa lạnh kéo dài nên việc sản xuất gặp khó. May mắn, những ngày gần đây trời có nắng nên chúng tôi đẩy nhanh sản xuất phục vụ Tết. Phở sắn Quế Sơn rất đặc biệt, ăn một lần là nhớ mãi. Ngoài bán trong tỉnh, chúng tôi còn xuất đi TPHCM, các tỉnh thành phía nam", ông Nhẫn chia sẻ.

Đối diện nhà ông Nhẫn, cơ sở phở sắn của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi) có hơn 30 năm gắn bó với nghề cũng đỏ lửa nấu bánh, phơi bánh ngày đêm. 

"Từ khi đầu tư máy móc hiện đại, việc sản xuất cũng thuận lợi hơn. Ngày càng nhiều người biết đến món phở sắn hơn. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất hơn 80kg phở", bà Hoa nói.

Sản xuất loại phở "độc nhất vô nhị" tại Quảng Nam (Video: Ngô Linh).

Đến nay, tổ liên kết làng nghề phở sắn thị trấn Đông Phú, Quế Sơn có 6 hộ làm nghề, giải quyết việc làm thường xuyên cho 14 lao động, với mức thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi hộ bình quân cung cấp 50-70kg phơ thành phẩm ra thị trường một ngày. Ước tính, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu lãi 15-20 triệu đồng mỗi tháng.

Món phở "độc nhất vô nhị" ở xứ Quảng

Theo các bậc cao niên, phở sắn Quế Sơn được hình thành và phát triển vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Do chiến tranh, loạn lạc và các yếu tố xã hội khác tác động, mãi đến giữa thập niên 80, cây sắn mới lại được đưa vào đầu tư canh tác và phát triển.

Đợi nắng, làng phở lưới B40 mướt mồ hôi chạy đua Tết - 2

Hồ sắn sau khi nấu xong sẽ được đánh bằng tay lại một lần cho đều rồi mang đi ép.

Sợi phở sắn vẫn thường được gọi vui là "hàng rào B40" bởi hình dạng giống những tấm lưới rào chắn. Quy trình làm phở sắn rất công phu, chất lượng làm ra hơn nhau ở chỗ khéo tay và kinh nghiệm. Ngày nào cũng vậy, để kịp giao hàng cho khách, thợ làm sắn phải dậy từ sáng sớm tinh mơ để ngâm, trộn và ép bột.

Trước tiên, củ sắn được cắt ra, xay thành bột. Bột sắn khô ngâm khử độ chua, sau đó khuấy thành hồ. Khâu trộn bột sắn với nước đặc hay lỏng quyết định chất lượng của phở. Bột sắn sau khi trộn với nước, bỏ vào nồi nấu chín thành hồ.

Khuấy hồ là công đoạn tốn nhiều công sức nhất. Việc này trước đây thường do thanh niên, nam giới làm, nhưng hiện nay đã có máy móc thay thế. Hồ sắn sau đó được đổ vào máy ép tạo thành những sợi phở đan chéo nhau như hàng rào, độc đáo và đẹp mắt.

Theo ông Trương Đăng Nhẫn, một yếu tố đặc biệt nữa của phở sắn Quế Sơn ngoài nguyên liệu, đó chính là phải làm phở dưới trời nắng. Một tấm phở ngon được phơi khô giòn, màu sợi phở trong như gương.

Đợi nắng, làng phở lưới B40 mướt mồ hôi chạy đua Tết - 3

Những sợi phở sắn đan vào nhau như "hàng rào B40".

Từ sợi phở sắn Quế Sơn có thể chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn. Trong đó hấp dẫn và lôi cuốn nhất có lẽ là món phở sắn nấu với cá lóc đồng. Vị dai dai, bùi bùi của sợi phở, vị ngọt của cá lóc đồng, bắp chuối non chan chát và các vị rau đồng quê hòa quyện, tạo nên một hương vị quê nhà ngon khó cưỡng.

Đợi nắng, làng phở lưới B40 mướt mồ hôi chạy đua Tết - 4

Phở sắn Quế Sơn ngày càng được ưa chuộng, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành quyết định về việc công nhận phở sắn Đông Phú - huyện Quế Sơn là làng nghề của tỉnh Quảng Nam. Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu tập thể Đông Phú cho sản phẩm phở sắn theo giấy chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH-CN từ năm 2009.