1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nuôi hàng triệu "công nhân vo ve" nay đây, mai đó lại kiếm bộn tiền

Hoài Sơn

(Dân trí) - Gần 10 năm nuôi ong, anh Đoàn Văn An đã gây dựng được 250 đàn với hàng triệu con ong thợ. Sản lượng mật của đàn cũng tương đối ổn định và cho thu nhập cao.

Quản lý hàng triệu "công nhân ong"

Trong một lần về huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), chúng tôi ghé lán trại nuôi ong của anh Đoàn Văn An (44 tuổi, quê Nam Định) nằm ở rừng tre thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh. Với hàng trăm thùng nuôi ong đặt khắp nơi, mùi thơm của mật phảng phất ngay từ ngoài đường.

Nuôi hàng triệu công nhân vo ve nay đây, mai đó lại kiếm bộn tiền - 1

Anh Đoàn Văn An đang nuôi ong ở rừng tre xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Ảnh: Hoài Sơn).

Trước đây, anh An làm đủ nghề, tuy nhiên, thu nhập thấp lại không ổn định nên anh quyết định tìm hướng đi mới cho bản thân.

Đến năm 2014, một người họ hàng rủ anh đi du mục để "chăn" ong. Lúc này anh đi theo chỉ vì tò mò. Nhưng sau một tháng lang thang cùng đàn ong, anh An nhận thấy tiềm năng và bàn bạc với vợ đầu tư 200 triệu đồng mua 100 đàn ong về nuôi thử nghiệm.

Nuôi ong du mục nay đây, mai đó lại kiếm bộn tiền (Video: Hoài Sơn).

Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm nên ong bị bệnh thối ấu trùng, ong non không nở, ong thợ cũng yếu dẫn đến số lượng ong trong đàn thấp, chất lượng mật không cao.

Không nản chí, anh quyết tâm học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ong qua các kênh thông tin và theo chân những người nuôi ong lâu năm để tìm hiểu tập tính loài vật này.

Nuôi hàng triệu công nhân vo ve nay đây, mai đó lại kiếm bộn tiền - 2

Thùng nuôi ong làm bằng gỗ chắc chắn, chiều dài khoảng 35cm (Ảnh: Hoài Sơn).

Với phương châm vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, sau nhiều tháng ăn ngủ cùng đàn ong, anh An tích lũy được nhiều kiến thức, áp dụng vào thực tế hiệu quả.

"Thời điểm hiện tại tôi đã gây dựng được 250 đàn ong với hàng triệu ong thợ. Sản lượng mật của đàn cũng tương đối ổn định, nếu đúng mùa thì 10 ngày có thể lấy mật 1 lần, mỗi lần thu hơn 1 tấn mật", anh An cho hay.

Đi theo mùa hoa

Theo anh An, con ong có tập tính tổ chức rất cao, người nuôi ong phải chịu khó để ý các bệnh ong thường hay mắc phải, cách nhân chia đàn, tạo giống, tạo con  ong chúa mới và tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa.

Để đàn ong phát triển tốt và cho ra mật chất lượng, người nuôi phải am hiểu tình hình địa lý vùng miền và tập tính của chúng và thường xuyên kiểm tra đàn.

Nuôi hàng triệu công nhân vo ve nay đây, mai đó lại kiếm bộn tiền - 3

Ong có tập tính tổ chức rất cao, người nuôi ong phải chịu khó để ý về bệnh tật (Ảnh: Hoài Sơn).

"Mỗi đàn ong đều có một tổ chức riêng và mình phải nắm được tập tính đó. Ong thợ có tuổi thọ khoảng 60 ngày. Khi mình thấy đàn ong này có biểu hiện bất thường là phải kiểm tra để có biện pháp xử lý", anh An giải thích.

Ong đòi hỏi nơi yên tĩnh, tránh tiếng động mạnh nên thùng nuôi phải làm bằng gỗ chắc chắn, chiều dài khoảng 35cm và tránh mưa hắt, nắng rọi trực tiếp vào tổ.

Vị trí đặt thùng nên kê cao 25-30cm so với mặt đất, mỗi thùng cách nhau ít nhất 50cm. Không nên đặt thùng nuôi ong trên sân gạch, nền xi măng, nơi quá ẩm ướt hoặc gần chuồng gia súc.

Nuôi hàng triệu công nhân vo ve nay đây, mai đó lại kiếm bộn tiền - 4

Nếu đúng mùa thì cứ 10 ngày, anh An thu hoạch 1 tấn mật (Ảnh: Hoài Sơn).

Ong lấy mật phụ thuộc vào nguồn hoa và mùa hoa. Vì vậy, những người nuôi ong như anh hay được gọi là những người lang thang vì phải liên tục di chuyển theo mùa hoa và vùng hoa thì ong mới cho năng suất mật cao, "đẻ" ra lợi nhuận.

"Nuôi ong cũng cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm, việc di chuyển đàn ong theo mùa hoa cũng rất vất vả. Ví dụ vào tháng 2, phải đến Gia Lai cho ong hút mật hoa cà phê, tháng 3 đón vụ hoa vải, sau đó chuyển về vùng mật hoa nhãn", anh An giải thích.

Nuôi hàng triệu công nhân vo ve nay đây, mai đó lại kiếm bộn tiền - 5

Mật được mua tận nơi, mỗi cân mật có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy loại (Ảnh: Hoài Sơn).

Anh An cho biết thêm, việc di chuyển ong phải làm trong đêm, vì lúc này, đàn ong về tổ ngủ, không bị phân tán đàn và giảm khả năng ong bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột.

"Mật được thương lái tìm mua tận nơi, mỗi cân mật có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy loại. Nếu ổn định, tôi thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng từ mật ong", anh An bộc bạch.