Gia Lai:
Cuộc sống "du mục" với nghề nuôi ong mật
(Dân trí) - Những người nuôi ong du mục luôn phải sống trong rừng cà phê, cao su nhưng thu nhập lại bấp bênh, may rủi. Điều ước xa xỉ của họ là có thể đón Tết cùng gia đình.
Từ năm 16 tuổi, ông Nguyễn Quý Đạt (SN 1969, quê ở xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã theo cha lên mảnh đất Gia Lai để làm nghề nuôi ong lấy mật. Cả thanh xuân của ông là chuỗi ngày sống tạm bợ trong những lán trại ở bìa rừng hoặc vườn cà phê, cao su… ở vùng đất đỏ bazan.
Ông chia sẻ: "Từ nhỏ tôi đã sống với nghề nuôi ong. Nhiều người nghĩ rằng, nghề nuôi ong là nghề nhàn nhã, dễ làm giàu vì chỉ cần đặt thùng ong ở vị trí thuận lợi rồi ngồi chờ đưa mật về, bán lấy tiền. Tuy nhiên, nhiều nhà đã vỡ nợ khi mang hàng trăm thùng ong lên vùng đất Tây Nguyên nuôi".
Khi được cha truyền lại hơn 100 thùng ong mang lên Tây Nguyên nuôi, ông Nguyễn Quý Đạt đã gặp rất nhiều khó khăn về kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc.
Ban đầu, ong bị bệnh thối ấu trùng dẫn đến chết hàng loạt. Không những thế, ông cũng không lấy được lượng mật đạt chuẩn khiến việc làm ăn bị thua lỗ nặng. Thế nhưng không nản chí, ông đã quyết tâm học hỏi kỹ thuật và tham quan nhiều hộ nuôi ong để tích lũy kinh nghiệm.
Khi tự tin với nghề, ông đã cầm cố tài sản ở Bình Định để vay vốn nhằm tăng thêm số lượng đàn thêm 300 thùng ong.
Từ tháng 9 hàng năm, ông Nguyễn Quý Đạt lại cùng người em họ chở gần 300 thùng ong lên Gia Lai để bắt đầu chu kỳ lấy mật. Tùy theo kinh nghiệm, mỗi người sẽ chọn vị trí đặt thùng ong hợp với từng loại hoa, lá nhằm có được mật ong chất lượng.
Theo ông, trung bình mỗi thùng ong cho thu hoạch mật từ 3- 4 lần/ tháng tùy theo thời tiết. Có mật là thương lái đến tận lán trại để thu mua ngay. Tùy vào chất lượng mật ở mỗi thời điểm để tính giá khác nhau. Nhưng trung bình, mật ong ở vùng Tây Nguyên này sẽ dao động từ 150-300 nghìn đồng/lít.
"Mỗi năm, tôi cũng thu được hàng nghìn lít mật ong và thu về khoảng 400-500 triệu đồng; trừ các chi phí, lãi cũng được 250 triệu đồng/năm", ông Nguyễn Quý Đạt cho hay.
Lợi nhuận như vậy nhưng khi ai đã chọn theo nghề nuôi ong đều phải chấp nhận khi xa vợ con, gia đình hàng năm trời. Thời điểm Tết Nguyên đán là vào vụ thu mật chính nên ít ai được về đón Tết cùng gia đình.
"Tôi đã hơn 10 năm chưa được đón cái Tết cùng gia đình. Năm nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh khiến cho việc về nhà thăm vợ con cũng cách trở hơn. Gần một năm nay, tôi chưa được về để thăm gia đình", ông Nguyễn Quý Đạt bộc bạch.
Ông Đỗ Văn Hải (quê ở huyện Tây Sơn, Bình Định) đã đặt hàng trăm thùng ong mật trong vườn cao su thuộc xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai). Ông đưa đàn ong từ Bình Định lên đây đã được gần một năm nay. Những năm trước giá mật thấp nên không có lãi. Mật thu hoạch mang đi bán chỉ đủ trang trải chi phí đầu tư.
Trong thời gian cuối năm 2020 và đầu năm 2021, giá mật lên cao nên ông thường chở đàn ong của mình đến những nơi có nhiều hoa, lá với mong muốn gỡ lại được trong vụ nuôi ong năm trước.
Để đàn ong mật phát triển tốt và cho ra những giọt mật chất lượng, ông Đỗ Văn Hải luôn học hỏi những kiến thức về thời tiết, địa lý vùng miền và tập tính của loài ong. Thời tiết nắng mưa thất thường cũng là yếu tố quan trọng khiến ong bị chết hàng loạt.
Đàn ong được ông chăm sóc rất tỉ mỉ và khoa học với nhiều công đoạn như tạo ong chúa, tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa. Đồng thời, ông còn nhân đàn để bán ong giống, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Không ít năm, ông Đỗ Văn Hải từng trải cảm giác nản chí vì không thu được mật. Trong khi ông đã bỏ hàng chục triệu đồng để mua đường, bột để nuôi đàn ong. Chưa kể cái rủi khi người làm vườn thường phun thuốc kích thích, thuốc sâu khiến ong bị chết hàng loạt, thế là "trắng tay".
Năm nay vì dịch nên ông đã quyết định không về quê mà ở lại Gia Lai để dưỡng đàn ong của mình và chờ đến vụ thu hoạch ong.
Ông Đỗ Văn Hải chia sẻ: "Cả gia tài của gia đình đều đặt vào 250 thùng ong này. Cái khó ở nghề nuôi ong là trong quá trình chăm sóc đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong. Như vậy, ong mới gắn bó và không bỏ đi. Năm trước, giá mật thấp hầu như không có lãi. Thế nên năm nay tôi ở lại rừng canh nuôi đàn ong và gây thêm giống".