Quảng Bình:
Nuôi ếch “một vốn bốn lời”, dân chài thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - Từ những mô hình ban đầu, xã Ngư Thủy hiện có nhiều hộ thu nhập từ nghề nuôi ếch tới tỷ đồng mỗi năm. Nghề góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình, tạo hướng phát triển mới cho bà con vùng bãi ngang.
Nghề mới nơi bãi ngang
Xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là một địa bàn thuộc diện bãi ngang còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu sống theo nghề chài lưới, đánh bắt gần bờ, thu nhập bấp bênh.
Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển vào năm 2016, người dân bắt đầu phát triển các mô hình kinh tế để ổn định cuộc sống thay vì phụ thuộc vào nghề đi biển.
Một trong những hướng đi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân vùng bãi ngang của xã Ngư Thủy chính là nuôi ếch, từ đó giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Theo sự hướng dẫn của các cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, chúng tôi đã đến thăm mô hình nuôi ếch của gia đình anh Ngô Văn Thuần tại thôn Thượng Nam, xã Ngư Thủy.
Anh Thuần là một trong những hộ đi đầu trong phát triển mô hình nuôi ếch tại địa phương.
Anh Thuần cho biết, gia đình vốn có truyền thống đi biển. Tuy nhiên việc đi biển khó khăn, thu nhập không ổn định. Anh đã tìm hiểu và quyết tâm tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương thời tiết khắc nghiệt.
Sau thời gian học hỏi, anh quyết định làm mô hình nuôi ếch để tận dụng từ nguồn thức ăn tôm, cá vụn khai thác biển.
Khi mới bắt tay vào nuôi ếch, anh Thuần xây 3 hồ nuôi được lót bạt và chắn lưới xung quanh để thả 2 vạn con ếch giống. Qua gần ba tháng, lứa ếch đầu tiên đã được thương lái đến tận nhà mua. Ngay vụ đầu, anh đã thu lãi được 20 triệu đồng.
“Thấy nuôi ếch hiệu quả, dễ nuôi, vốn bỏ ra cũng không nhiều nên tôi bàn với vợ mở rộng diện tích. Từ 3 hồ nuôi ban đầu, giờ gia đình tôi đã có 15 hồ bạt nuôi ếch. Tôi còn học hỏi và nuôi ếch sinh sản để cấp giống cho bà con trong vùng”, anh Thuần vui mừng chia sẻ.
Năm vừa qua, trừ mọi chi phí, gia đình anh cũng thu về hơn 500 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, trang trại cũng đã xuất bán được 50 vạn con ếch giống, thu lãi ròng 400 triệu đồng và dự kiến xuất bán khoảng 20 tấn ếch thịt, lãi khoảng 300 triệu đồng.
Không chỉ có thu nhập cao, mô hình nuôi ếch của gia đình anh Thuần còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động khác tại địa phương, với thu nhập trên 5 triệu đồng mỗi tháng.
Vượt khó làm giàu
Cũng như gia đình anh Thuần, mô hình nuôi ếch thương phẩm cũng đang là thu nhập chính để vươn lên làm giàu cho gia đình chị Võ Thị Mai, ở xã Ngư Thủy Bắc, một xã bãi ngang khác của huyện Lệ Thủy.
Gia đình chị Mai hiện có 16 hồ bạt nuôi ếch thương phẩm và cấp giống cho bà con trong vùng. Hàng năm chị Mai xuất bán được khoảng 10 tấn ếch thịt cùng với khoảng hơn 50 vạn ếch giống, trừ mọi chi phí gia đình chị lãi khoảng 600 triệu đồng.
Diện tích dư, gia đình mở rộng 2 ao nuôi cá lóc trên cát để tận dụng các phụ phẩm từ nuôi ếch. Mô hình này đã được nhiều hộ dân ở đây học tập.
Cũng theo nhiều hộ nuôi ếch, nuôi con “chồm hổm” vốn thấp, trong khi thu nhập lại cao, có thể nói là “một vốn bốn lời”. Con ếch ở xã Ngư Thủy cũng phát triển tốt, ít dịch bệnh. Nuôi ếch không khó, chỉ chuyên cần chăm sóc là được. Nước trong hồ nuôi phải được thay mỗi ngày để tránh bệnh cho ếch.
Cứ đến vụ ếch là thương lái đều đến thu mua tận nơi, thị trường ếch cũng hết sức sôi động và dễ tiêu thụ. Có đến cả trăm hộ nuôi ếch, thế nhưng nhiều lúc nuôi không kịp mà bán.
Trong năm, bà con ở đây chỉ nuôi ếch từ tháng 3 đến tháng 8, trung bình thời gian nuôi khoảng hai tháng rưỡi, như vậy, mỗi năm nuôi được hai lứa ếch.
Nhờ có nghề nuôi ếch nên nhiều hộ dân trên địa bàn 2 xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Để phát triển nghề nuôi ếch, hội nông dân xã cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn, vận động bà con sớm thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong sản xuất, bình ổn giá cả, tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho hay, tại địa phương này hiện có gần 100 hộ dân nuôi ếch và đang mang lại thu nhập từ hàng trăm, thậm chí cả 1 tỷ đồng/năm cho các hộ dân vùng bãi ngang.
Qua đó thúc đẩy kinh tế gia đình và tạo hướng đi mới, thu nhập mới ngoài khai thác biển cho bà con ngư dân. Phía xã Ngư Thủy cũng mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho bà con vay vốn, cấp đất hoặc cho thuê đất lâu năm để bà con yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài.