Quảng Bình: Kiếm tiền tỷ nhờ nghề làm nước mắm truyền thống
(Dân trí) - Từ đam mê với nghề làm nước mắm quê nhà, cùng với nguồn vốn vay của Hội phụ nữ, chị Nga đã thu về trên 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương.
Đó là câu chuyện về cơ sở thu mua, chế biến thủy, hải sản của chị Trương Thị Nga, ở tổ dân phố Nhân Thọ, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình).
Với nghề làm nước mắm truyền thống, chị Nga không những mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân mà còn tạo điều kiện cho hàng chục lao động.
Theo thời gian và tâm huyết, chị đã xây dựng được thương hiệu riêng cho mình trong lòng những khách hàng khó tính trong và ngoài nước.
Bà chủ của cơ sở nước mắm cho biết, trước đây, chị cùng chồng thường về các làng biển thu mua cá, xác mắm rồi bán cho người dân, tuy nhiên công việc này rất vất vả nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu.
Trong suốt 6 năm đi buôn cá, chị luôn ấp ủ ước mơ một ngày nào đó mình sẽ có một cơ sở chế biến nước mắm truyền thống, nên vừa đi buôn, chị vừa học hỏi kinh nghiệm làm nước mắm từ nhiều làng biển khác nhau.
Với vốn kinh nghiệm tích lũy được cùng với lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, chị đã cùng chồng quyết định chọn mô hình chế biến thủy hải sản làm nghề phát triển kinh tế chính của gia đình.
Thời gian đầu quyết định theo nghề, với nguồn vốn hạn hẹp, gia đình chị chỉ thu mua và chế biến một vài tạ cá tươi/ngày để sản xuất vào mùa nắng và chủ yếu là giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình với phương châm lấy ngắn nuôi dài.
“Để làm ra được những giọt nước mắm thơm ngon, tôi lặn lội đến các làng nghề lân cận để học hỏi, nhiều lúc vào tận Huế và ra cả Nghệ An với mong muốn học thêm được ít nhiều. Từ vốn kiến thức tích lũy được cùng với sự hỗ trợ vốn vay từ Hội liên hiệp phụ nữ, tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất lên hàng tấn cá mỗi ngày”, chị Nga nhớ lại.
Chị Nga cũng cho biết, để làm ra những chai nước mắm theo công thức chế biến truyền thống không phải dễ, nguyên liệu nhập vào phải tươi và quy trình chế biến phải nghiêm ngặt, tuân thủ tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cá cơm đánh bắt về được chọn lựa kỹ, bỏ những con to hay nhỏ quá hoặc không tươi, vừa đưa lên bờ, được phân loại, rửa sạch, trộn đều với muối sạch rồi cho vào chum ủ với công thức 7 tấn cá/tấn muối.
Trong thời gian đó, phải theo dõi sát sao, bảo đảm phơi nắng đều. Khi tiến hành đảo cá, phải làm vào thời điểm trời nắng nhất để cá nhanh chín và bảo đảm vệ sinh. Thường thì cá được muối trong vòng 7 tháng đến một năm, sau đó sẽ đến khâu cuối cùng là khâu rút nước mắm.
Bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở của chị Nga còn quan tâm đầu tư cải tiến mẫu mã, nhãn mác để sản phẩm thu hút người tiêu dùng hơn, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Chị thường xuyên tham khảo giá cả thị trường, tìm hiểu những phương pháp kinh doanh mới, nhu cầu của người dân qua sách báo, nghe đài, xem ti vi để có thể đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng.
Không chỉ nổi tiếng với nước mắm truyền thống, khi có nguồn nguyên liệu phù hợp, chị còn đưa vào chế biến mắm nêm, ruốc… với tổng sản lượng chế biến đạt chục tấn hải sản các loại/năm.
Nhờ vậy, các mặt hàng nước mắm, mắm nêm, ruốc Nhân Thọ được rất nhiều bạn hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, ước tính mỗi năm cơ sở của chị bán ra thị trường hơn 18.000 lít nước mắm, 12 tấn mắm nêm và ruốc.
Trong những năm trở lại đây, sản phẩm nước mắm, mắm nêm, ruốc Nhân Thọ còn được người Việt ở nước ngoài biết đến và đặt mua nhờ sự thơm ngon và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Năm 2019, tổng doanh thu của cơ sở sản xuất chế biến nước mắm, mắm nêm, ruốc Nhân Thọ đạt hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận thu về gần 500 triệu đồng. Cơ sở chế biến hải sản của gia đình chị đã tạo việc làm cho hơn 15 lao động nữ với mức lương từ 5 -6 triệu đồng/tháng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi vùng biển.
“Năm nay, tôi sẽ xây dựng nhà xưởng, mua sắm nhiều trang thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất với mong muốn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”, chị Nga bày tỏ.
Không chỉ là tấm gương vượt khó làm giàu bằng chính quyết tâm, nghị lực của bản thân, chị Nga còn được người dân địa phương hết lòng yêu mến vì sự nhân hậu, luôn quan tâm đến người nghèo khó. Nhận thấy mô hình chế biến thủy hải sản gia đình đạt hiệu quả cao, chị không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, thông tin với mọi người để cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu, chị không đặt nặng vấn đề lời lãi mà chủ yếu là để giúp bà con.
Tiến Thành - Đặng Tài