Nuôi con lấy "thần dược" giúp người dân ở Ninh Bình thoát nghèo
(Dân trí) - Nghề nuôi hươu lấy nhung đang phát triển ở Cúc Phương (Ninh Bình) những năm gần đây vì giá lộc nhung tăng cao. Nhờ nuôi con lấy "thần dược", nhiều hộ dân đã thoát được nghèo, vươn lên làm giàu.
Những tháng đầu năm âm lịch là thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch nhung hươu. Đây cũng là thời gian người dân ở xã Cúc Phương, huyện miền núi Nho Quan (Ninh Bình) mừng nhất trong năm. Bởi sau nhiều tháng chăm sóc, chờ đợi thì những con hươu nuôi cũng bắt đầu cho ra lộc nhung để có thu nhập.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương chia sẻ, nghề nuôi hươu lấy nhung có ở địa phương từ rất lâu. Tuy nhiên, nở rộ nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây vì giá lộc nhung tăng cao. Nuôi hươu lấy nhung hiện nay là nghề "thoát nghèo" cho nhiều hộ dân tại địa phương.
Toàn xã Cúc Phương hiện có khoảng 200 hộ dân nuôi hơn 600 con hươu. Các xóm nuôi nhiều hươu nhất như: Nga 1, Nga 2, Nga 3, Bãi Cả… Hộ nuôi nhiều hươu lên đến hàng chục con, gia đình nuôi ít cũng 2 - 3 con hươu. Ngay tại gia đình ông Xuân cũng nuôi chục con hươu và đây cũng là nghề cho thu nhập chính của gia đình.
Gia đình anh Bùi Văn Tuyên (ở xóm Nga 2, xã Cúc Phương) mỗi năm duy trì nuôi từ 30 - 40 con hươu để lấy nhung. Anh Tuyên cho biết, nuôi hươu không có gì là khó khăn, thậm chí so với nhiều loại gia súc khác, hươu còn dễ chăm sóc hơn rất nhiều. Lợi nhuận từ nghề nuôi hươu cho thu nhập cao hơn.
Anh Tuyên chia sẻ thêm, bình thường chỉ cần cho hươu ăn lá cây trong rừng, trong vườn hay cỏ voi. Đến mùa hươu cho ra lộc nhung thì bổ sung thêm các loại tinh bột như ngô, khoai, lạc để lộc nhung phát triển đạt chất lượng cao.
"Với gần 40 con hươu cho nhung, thời điểm hiện tại gia đình tôi đã thu được 6 - 8 kg lộc hươu. Giá lộc nhung bình quân 1,8 triệu đồng/lạng, hiện đàn hươu đã cho thu nhập được hơn 100 triệu đồng", anh Tuyên nói.
Anh Đinh Quang Hậu có thâm niên nuôi hươu ở xã Cúc Phương tâm sự, hươu được nuôi ở Cúc Phương có chất lượng lộc nhung cao và tốt hơn nhiều so với các địa phương khác. Bởi hươu được nuôi tại các hộ dân nhưng hàng ngày được ăn các loại lá cây rừng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng cá thể hươu.
Bên cạnh đó, thời tiết ở xã Cúc Phương (giáp với rừng Quốc gia Cúc Phương) mát mẻ quanh năm, hợp với loài hươu nên đàn hươu phát triển.
Các hộ nuôi hươu ở Cúc Phương cho biết, nuôi hươu cả một năm nhưng chỉ cho thu hoạch lộc nhung được 2 lần. Đầu năm âm lịch, những lộc nhung hồng tơ nhô lên đẩy bung mảnh sừng do vết cắt cũ tạo nên đến khi thu hoạch khoảng 43 - 45 ngày. Sau đó thời gian hươu lại cho thu hoạch lộc một lần nữa. Lần đầu, mỗi cặp nhung hươu nặng từ 0,5 - 1kg, lần thứ hai ít hơn chỉ được từ 0,3 - 05kg.
Với giá nhung hươu hiện nay từ 1,6 - 1,8 triệu đồng/lạng, mỗi cặp nhung bán ra các hộ dân sẽ thu về số tiền từ 10 - 20 triệu đồng/1 con hươu. Nhiều hộ dân nuôi nhiều hươu thu được sản lượng nhung nhiều thì số tiền thu nhập từ nghề nuôi hươu cao gấp nhiều lần.
Những năm gần đây, nghề nuôi hươu lấy nhung được xã Cúc Phương được nhân rộng ra nhiều hộ dân. Chi phí đầu tư mưu giống hươu ban đầu có cao hơn so với những loại vật nuôi khác (từ 8 - 15 triệu đồng/con hươu giống) nhưng lại cho thu hoạch lâu dài, ít công chăm sóc, thức ăn sẵn tại địa phương, mỗi lần thu hoạch cả chục triệu đồng. So với nuôi lợn, gà, trâu bò, nuôi hươu nhàn hơn rất nhiều lại ít gặp rủi ro do dịch bệnh.
"Từ năm 2020, sản phẩm nhung hươu Cúc Phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Khách hàng từ Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội đến Cúc Phương tìm mua lộc nhung nhiều hơn. Thị trường mua bán nhung hươu nhộn nhịp hơn trước nên bà con nhân dân rất phấn khởi", ông Xuân nói.
Khi sản phẩm nhung hươu địa phương có thương hiệu, chính quyền cũng đã tạo mọi điều kiện để các hộ dân đầu tư chuồng trại, nâng số lượng đàn hươu lên để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Một số hộ nghèo được tạo điều kiện cho vay vốn để mua hươu giống về nuôi. Các hộ dân nuôi hươu gần đây cũng đã hình thành những tổ, nhóm chuyên đi cắt lộc để giúp đỡ nhau mùa thu hoạch nhung.
Anh Nguyễn Đức Trường ở TP Ninh Bình cho biết, năm nào cũng đến Cúc Phương tìm mua lộc nhung. "Nhung hươu là một trong tứ đại thần dược của Việt Nam gồm: Nhân sâm, nhục quế, lộc nhung, bạch phụ tử. Vì thế rất tốt cho sức khỏe. Tôi đến tận nơi xem tận mắt cắt nhung rồi mua về để cả gia đình dùng".
"Với khoảng 600 con hươu trong toàn xã, mỗi năm người dân Cúc Phương thu về gần 7 tỷ đồng từ nghề nuôi hươu lấy nhung. Nghề nuôi hươu truyền thống nhiều năm trở lại đây đã giúp người dân xã miền núi Cúc Phương thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng", ông Đinh Văn Xuân nói.