Quảng Nam:
Nuôi con "chân vịt, thịt gà, da trâu, đầu rắn", lão nông bon tay nhặt tiền
(Dân trí) - Nhờ áp dụng thành công mô hình nuôi ba ba trơn - loài vật được mô tả đặc tính như "chân vịt, thịt gà, da trâu, đầu rắn", nông dân Nguyễn Văn Khanh ở Quảng Nam thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đem loài da trơn, mai mềm vùng sông nước về nơi đất cát
Đến thị trấn Núi Thành, hỏi ông Khanh "ba ba" thì ai cũng biết. Bởi ông là người thành công khi đưa mô hình nuôi ba ba trơn về vùng đất cát này.
Xuất thân trong gia đình thuần nông, ông Khanh luôn nung nấu ý tưởng khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi. Năm 2000, sau khi đi tham quan mô hình nuôi ba ba ở Cần Thơ, ông đã quyết định đem giống ba ba từ miền Tây về nuôi ở quê nhà miền Trung.
"Thời điểm đó, tôi vay tiền mua 100 con giống để làm quen, tìm hiểu đặc tính của chúng. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nuôi nên ba ba phát triển chậm. Tuy nhiên, tôi mày mò thêm nhiều kĩ thuật, phương pháp áp dụng nên hiệu quả dần được cải thiện", ông Khanh nhớ lại.
Hiện nay, ông đã xây dựng hẳn một trang trại chăn nuôi ba ba rộng khoảng 700m². Toàn bộ 15 ao nuôi lớn nhỏ được thiết kế phù hợp, bờ ao được xây ghép bằng gạch đỏ, rất chắc chắn. Ao lớn nhất có diện tích 80m², ao nhỏ nhất có diện tích 50m².
Dẫn chúng tôi đi tham quan trại, ông Khanh bộc bạch, hiện nay có rất nhiều giống ba ba, nhưng khí hậu, thời tiết ở nơi đây phù hợp nhất là nuôi ba ba trơn.
Để nuôi ba ba thành công, trước hết, người nuôi cần cải tạo ao thật kỹ trước khi cho nước vào. Trong ao luôn phải có lục bình nhằm tạo môi trường giống tự nhiên để đàn ba ba thoải mái nhất.
Đồng thời, phải có mắt "nhìn nước" xem có bị nhiễm mặn hay không. Ngoài ra, cần chú ý bệnh nấm trên lưng ba ba để kịp thời xử lý, bởi nấm ăn sâu vào lưng sẽ làm ba ba chết.
Cái hay của ba ba là chăm sóc ít vất vả hơn các vật nuôi khác, bởi chỉ cần cho chúng ăn đầy đủ là chờ đến ngày sinh sản, lấy trứng ấp nở, bán giống. Ba ba cũng rất hiếm bị bệnh, có giá trị kinh tế cao.
"Mỗi ngày tôi cho ăn 2 lần, thức ăn là cá tạp hoặc bổ sung thức ăn công nghiệp. Hiện tại, tổng đàn ba ba của tôi luôn giữ ổn định từ 3.000 - 5.000 con bố mẹ và khoảng 5.000 con thương phẩm", ông Khanh nói.
Ba ba da trơn mang lại hiệu quả kinh tế cao
Với kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi ba ba, ông Khanh đã tự làm nơi cho ba ba đẻ trứng, thu hoạch trứng và ấp con giống để bán.
Ba ba từ lúc ấp nở nuôi đến lúc sinh sản cần thời gian 2 năm, cho đẻ 2 lần/tháng, mỗi đợt sinh sản tầm 15-20 trứng/con. Để trứng không bị vỡ, gia đình ông đã dựng một "ngôi nhà", bên trong có sân cát để cho ba ba đẻ.
Sau khi ba ba đẻ, toàn bộ số trứng sẽ được thu gom và đưa vào thùng xốp để ấp. Trung bình 50-65 ngày, trứng sẽ nở con. Trước khi ấp, cần soi trứng trước, nếu quả nào không có đực thì loại bỏ luôn.
"Ba ba sau khi nở sẽ được đem ra môi trường ngoài và cho ăn đến khoảng 20 ngày thì có thể bán. Mỗi tháng, tôi bán ra khoảng 5.000 con ba ba giống, giá bán từ 10.000-20.000 đồng/con", ông Khanh chia sẻ.
Ông Khanh chia sẻ thêm, bình quân thời gian nuôi trên 18 tháng thì ba ba có thể đạt trọng lượng gần 1 kg, với giá bán dao động từ 150.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại. Hiện ba ba của ông được thương lái trong và ngoài tỉnh mua đều đặn, nhờ đó, đầu ra ổn định.
"Ba ba được ví là con vật có "chân vịt, thịt gà, da trâu, đầu rắn", các nhà hàng rất chuộng. Chất lượng con giống của tôi tốt nên được nhà phân phối đưa đi khắp nơi. Bình quân một năm, trừ tất cả chi phí, tôi có thể lãi trên 100 triệu đồng", ông Khanh bộc bạch.
Loài ba ba mà ông Khanh nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định. Vì vậy, mô hình của ông luôn được nhiều hộ trong và ngoài tỉnh tham quan học tập để tìm cơ hội làm giàu trên quê hương mình.