Nuôi chồn hương bán giống, 8X ở Đà Nẵng bỏ túi nửa tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Từ 3 con chồn hương mua lại của người đi rừng, anh Khánh tìm tòi, mày mò cách nuôi và chăm sóc để loại động vật rừng này sinh trưởng và phát triển tốt, giúp anh kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm.
Kể về cơ duyên gắn bó với công việc nuôi cầy vòi hương (hay còn gọi là chồn hương), anh Nguyễn Hữu Khánh (SN 1986, trú tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, năm 2013 anh mua lại 3 con chồn hương của người đi rừng về nuôi thả trong nhà cho vui.
Để nắm được cách chăm sóc chồn hương, anh Khánh phải mày mò, tìm hiểu. Thời điểm đó, do còn ít người nuôi chồn hương nên anh Khánh khó học hỏi trực tiếp. Những lúc chồn bị bệnh, anh Khánh đều tự nghiên cứu, tìm cách chữa bệnh cho chồn.
Nhận thấy sức tiêu thụ và hiệu quả từ việc nuôi chồn hương mang lại, anh Khánh quyết định đầu tư mở rộng trang trại. Qua tìm hiểu, anh Khánh biết được chồn hương là động vật rừng, muốn nuôi thì phải được cấp phép.
Năm 2017, anh Khánh quyết định nghỉ công việc ở một khách sạn, đầu tư 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua thêm mấy cặp chồn hương về nuôi. Anh cũng chính thức làm thủ tục và được cơ quan chức năng cấp phép cho nuôi chồn hương.
Chồn hương anh Khánh nuôi chủ yếu để bán giống. Khách hàng của anh ở mọi miền đất nước, trong đó chủ yếu là ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Nhiều người dân trong vùng thấy anh Khánh nuôi chồn hương hiệu quả cũng lấy giống từ trang trại của anh về nuôi.
"Số chồn hương sinh ra chỉ đủ cung cấp chồn giống chứ không đủ để bán chồn thương phẩm. Một số nhà hàng có nhu cầu đặt mua nhưng tôi không hàng có để cung cấp", anh Khánh nói.
Năm 2018, anh Khánh có làm cà phê chồn. Tuy nhiên, chỉ làm được một thời gian thì anh nghỉ và tập trung vào việc nuôi chồn giống bởi làm cà phê chồn mất nhiều thời gian, trong khi bán chồn giống khỏe hơn mà hiệu quả kinh tế vẫn cao.
Theo anh Khánh, chồn hương chủ yếu bị bệnh tiêu chảy, dễ bị nhiễm khuẩn, dẫn đến tụ huyết trùng. Vì vậy, để phòng bệnh cho chồn hương, anh không nuôi chó, mèo bị bệnh cùng với chồn hương. Anh nhấn mạnh, cần có khu vực riêng để nuôi những con chồn hương bị bệnh, tránh lây chéo nhau.
Theo anh Khánh, việc nuôi chồn hương khá đơn giản. Mỗi ngày, anh bắt đầu bằng công việc dọn chuồng trại, sau đó cho chồn ăn sáng; chiều cho chồn ăn thêm một lần nữa.
Thức ăn của chồn hương là các loại trái cây chín có vị ngọt (chủ yếu là chuối chín) và cháo, cá sống…
"Thực ra, để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi phải mất 3 năm để tìm hiểu, nghiên cứu cách chăm sóc cũng như trị bệnh cho chồn hương. Có những thời điểm, chồn bị chết, tôi nhiều đêm mất ngủ vì chồn", anh Khánh nói.
Trang trại của anh Khánh có diện tích 400m2 và hiện đang có 100 con chồn hương. Chồn hương sinh sản chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 10. Mỗi năm, trang trại xuất chuồng khoảng 100 con. Giá mỗi cặp chồn hương giống khoảng 8-9 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, anh Khánh thu lãi 400 - 500 triệu đồng từ nghề nuôi chồn hương.
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn cho biết, mô hình nuôi chồn hương của anh Khánh đem lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã. Địa phương đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này để tăng thu nhập cho người dân nơi đây.