1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Định:

Bỏ nghề cơ khí, thanh niên về quê nuôi chồn hương, việc nhẹ lãi cao

Doãn Công

(Dân trí) - Dù nghề cơ khí cho thu nhập khá ổn định nhưng phải sống xa gia đình, rồi mỗi lần về quê mỗi lần cực. Vì vậy, chàng trai đất võ Bình Định quyết về quê làm giàu với mô hình nuôi chồn hương.

Với mô hình nuôi chồn hương, kết hợp trồng cây ăn quả, anh Nguyễn Tấn Tài (28 tuổi, ở xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) thu lãi mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Ở xã Hoài Sơn, anh Tài được biết là người tiên phong trong việc nuôi chồn hương thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kể về quá trình lập nghiệp của mình, anh Tài chia sẻ: Vừa tốt nghiệp THPT, anh chọn học nghề cơ khí và đi làm ở nhiều địa phương ngoài tỉnh. Dù thu nhập hàng tháng từ nghề cơ khí cũng không đến nỗi nhưng sống xa gia đình, chi phí ăn ở trọ tốn kém nên cũng không dư nhiều.

Hơn nữa, mỗi lần về quê là một lần vất vả nên anh quyết về quê tìm kiếm cơ hội lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương.

Bỏ nghề cơ khí, thanh niên về quê nuôi chồn hương, việc nhẹ lãi cao - 1
Anh Nguyễn Tấn Tài (28 tuổi, ở xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi chồn hương, kết hợp trồng cây ăn quả.

Năm 2017, sau khi được cơ quan chức năng cấp giấy phép, anh bắt tay vào xây dựng chuồng trại nuôi chồn hương.

Theo chia sẻ của anh Tài, sở dĩ anh chọn mô hình nuôi chồn hương là vì qua tìm hiểu ban đầu thì nuôi chồn hương chi phí khá thấp, dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc mà giá lại cao.

"Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực tế thì gặp phải rất nhiều khó khăn. Ban đầu, tiền mua 4 cặp con giống và xây chuồng trại đúng chuẩn đã tốn gần 100 triệu đồng. Trong khi mình tay ngang bước vào nuôi, tự mày mò, tích lũy kiến thức từ sách vở, internet… để chăm sóc con giống mua về", anh Tài cho biết.

Theo anh Tài, hơn 2 năm đầu tiên nuôi chồn là khoảng thời gian "đau đầu" nhất đối với anh. Bởi 4 cặp giống bố mẹ không biết lý do gì chỉ có ăn, ngủ mà không biết… đẻ. Anh Tài bắt đầu xem lại toàn bộ quy trình nuôi từ khâu làm chuồng trại đến thức ăn của chồn.

"Tôi thiết kế ô chuồng nhỏ lại nhưng vẫn đảm bảo cho một con ở và vận động. Chuồng được dọn vệ sinh hằng ngày, đảm bảo luôn khô, thoáng và thường xuyên tưới nước làm mát mái vào mùa nắng", anh Tài chia sẻ.

"Về thức ăn, chồn giống và chồn thịt cũng khác nhau nhưng phải luôn đảm bảo các loại trái cây và thực phẩm phải là đồ tươi. Đặc biệt, chồn thông thường hay bị bệnh về đường ruột nên nguồn thức ăn phải đảm bảo tươi thì chồn mới không bị bệnh, lớn nhanh", anh Tài chia sẻ thêm.

Bỏ nghề cơ khí, thanh niên về quê nuôi chồn hương, việc nhẹ lãi cao - 2
Theo anh Tài, nếu nắm vững kỹ thuật thì nuôi chồn hương nhẹ nhàng nhưng lãi cao.

Sau khi điều chỉnh "kỹ thuật" chăm sóc, các cặp chồn bắt đầu sinh sản. Hiện, trại nuôi chồn hương của anh có quy mô gần 500m2, với 50 con, trong đó có gần 30 con bố, mẹ.

Theo anh Tài, một con chồn cái nếu sinh sản bình thường có thể cho lãi ròng từ 10 - 15 triệu đồng/năm. Bởi bình quân mỗi năm chồn sẽ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 3 - 4 con. Chồn con nuôi khoảng 2 tháng có thể bán thịt với giá dao động từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/kg; nếu chồn giống nuôi 8 tháng thì bán từ 8 triệu đồng/cặp trở lên.

"Nuôi chồn hương không chỉ ít tốn diện tích lại nhẹ công chăm sóc. Hơn nữa, điều kiện thời tiết tại Hoài Sơn rất phù hợp, đầu ra lại ổn định", anh Tài nói.

Anh Tài chia sẻ, bình quân mỗi năm tôi thu lợi trên 300 triệu đồng từ nuôi chồn hương. Cùng với nguồn thu nhập chính này, anh còn trồng 3ha cây ăn quả như: 150 cây bưởi, 500 cây ổi và 500 cây dừa đang cho trái.

Nói về mô hình của anh Tài, Bí thư Xã đoàn Hoài Sơn Nguyễn Ngọc Lanh nhận xét: "Anh Tài là nhân tố điển hình trong phong trào thanh niên làm kinh tế tại địa phương. Với vai trò Chủ nhiệm CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi, anh còn thường xuyên tổ chức cho thanh niên có nhu cầu kết hợp tham quan, tìm hiểu về mô hình của mình để trao đổi kinh nghiệm. Qua đó, đã có thanh niên áp dụng mô hình nuôi chồn hương của anh Tài tại địa phương bước đầu có hiệu quả".

Anh Nguyễn Tấn Tài là cá nhân duy nhất của tỉnh trong số 56 thanh niên được Trung ương Ðoàn xét tặng giải thưởng Lương Ðịnh Của lần thứ XV, năm 2020. Ðây là giải thưởng dành cho những tấm gương có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động của Ðoàn, hội ở địa phương.