1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nửa đêm mang cá đi rải, giữa trưa cầm gậy đập cật lực để lấy tiền

Hoàng Lam

(Dân trí) - Giữa trưa, dưới cái nắng chang chang, những người phụ nữ bịt kín mít, tay cầm thanh gỗ đập cật lực. Những con cá cơm được "trở" bằng cách như thế để đảm bảo khô, giòn.

Tầm 12h, ánh mặt trời đầu hè chang chang chiếu xuống bãi đất rộng đã được bày la liệt những tấm lưới hay vỉ phơi cá. Áng chừng mặt trên của lớp cá cơm đã đủ khô, từng tốp 2-3 phụ nữ tay cầm thanh gỗ tiến ra sân phơi. Họ là những người làm nghề phơi cá thuê ở xã biển Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An).

Nửa đêm mang cá đi rải, giữa trưa cầm gậy đập cật lực để lấy tiền - 1

Cá cơm được rải đều trên những tấm vỉ để phơi khô.

Trong khi chị Lê Thị Cam (xóm Tân Hải, xã Quỳnh Lập) chuyển những chiếc vỉ (lưới nẹp bằng khung tre chắc chắn) từ trên bãi cỏ ra đường bê tông thì chị Lê Thị Vân và Trần Thị Loan có nhiệm vụ gỡ cá từ các vỉ ra. Chị Vân một tay giữ khung, một tay đập cật lực lên mặt lưới. Dưới tác động của thanh gỗ, lớp cá cơm rơi rào rào xuống sân.

Phụ nữ làng biển kiếm thêm thu nhập từ việc phơi cá thuê

"Đây là công đoạn trở (lật, đảo - PV) cá, đảm bảo cho cá được phơi đủ khô. Tranh thủ nắng để trở vì phơi được nắng thì con cá mới khô giòn mà màu lại đẹp. Phải canh cho cá vừa khô, đủ độ cứng để đập, tránh cá bị gãy, nát", chị Vân cho biết.

Nửa đêm mang cá đi rải, giữa trưa cầm gậy đập cật lực để lấy tiền - 2

Khi phơi đến một khoảng thời gian nhất định, phải trở mặt cá để đảm bảo cá khô đều.

Theo ông Lê Bá Kỷ - Chủ tịch Hội nông dân xã Quỳnh Lập, hiện trên địa bàn có 7 cơ sở chế biến hải sản, mỗi cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động.

"Vào mùa cá trỏng thì mỗi cơ sở chế biến cá giải quyết việc làm thời vụ cho 70-80 lao động. Nếu như thu nhập của lao động thường xuyên ở mức trên dưới 7 triệu đồng/người/tháng thì lao động thời vụ, mức thù lao tính theo giờ, từ 25-30 nghìn đồng/người/giờ tùy thời điểm", ông Kỷ cho hay.

Nửa đêm mang cá đi rải, giữa trưa cầm gậy đập cật lực để lấy tiền - 3

Khi khô cá sẽ dính chặt vào mặt lưới...

Mùa cá cơm (còn gọi là cá trỏng) ở xã Quỳnh Lập bắt đầu từ tháng 8 âm lịch kéo dài đến tháng 3 năm sau. Cá cơm được chế biến theo 2 cách, phơi trực tiếp cá tươi hoặc hấp chín với muối rồi phơi khô. Cá tươi phơi khô chủ yếu tiêu thụ trong nước, còn cá hấp sẽ được cung ứng cho một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào hay Campuchia.

Nửa đêm mang cá đi rải, giữa trưa cầm gậy đập cật lực để lấy tiền - 4

Thợ phơi cá phải sử dụng một thanh gỗ đập mạnh vào mặt sau của lưới để cá rơi ra.

Gọi là thợ phơi cá nhưng thực ra, các lao động này phụ trách nhiều công đoạn, từ rửa, phơi cho đến đóng gói. Công việc của người phơi cá thường bắt đầu mỗi khi tàu cập bến, bất kể giờ giấc. Có hôm tàu về lúc 2h sáng, đang ngủ cũng phải choàng dậy đi ra bến. Nếu ngày mưa hoặc hôm nào tàu về buổi chiều thì họ có nhiệm vụ chuyển cá vào kho lạnh, tránh để cá bị ươn. Còn nếu không mưa thì cá sẽ được chuyển vào lò hấp hoặc chở thẳng ra sân phơi.

Nửa đêm mang cá đi rải, giữa trưa cầm gậy đập cật lực để lấy tiền - 5

Để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, thợ phơi cá phải tranh thủ làm việc lúc trời nắng, thậm chí là làm việc xuyên trưa. Bởi vậy, việc bảo hộ để tránh nắng luôn được ưu tiên.

Cá sau khi hấp chín hoặc đang tươi rói sẽ được rải đều trên lưới hay các tấm vỉ. "Vào mùa nắng, thời gian phơi nhanh hơn, tầm 2 ngày là cá đủ tiêu chuẩn để đóng vào bao. Còn hôm nào không có nắng thì cũng phải hong gió, lâu khô hơn. Cá phơi từ sáng đến tầm 12h trưa thì bắt đầu trở được. Lúc này, cá dính vào lưới, phải lấy gậy đập mạnh cho rơi ra rồi phơi tiếp", chị Phạm Thị Chín (xóm Đồng Tiến, xã Quỳnh Lập) vừa đập cho cá rơi xuống sân, vừa nói.

Nửa đêm mang cá đi rải, giữa trưa cầm gậy đập cật lực để lấy tiền - 6

Cá có thể phơi trên vỉ hoặc trên lưới nhưng đều phải sử dụng thanh gỗ đập mạnh để cá rơi ra, tiếp tục phơi cho đến khi đạt yêu cầu.

Cá sau khi phơi đủ khô sẽ được gom lại, cho vào máy sàng để lọc bỏ đầu rồi đóng gói vào túi bóng hay thùng giấy. Công việc không quá nặng nhọc nhưng cường độ làm việc cao, trong thời gian dài. Bởi vậy, tiền công của thợ phơi cá không được tính theo buổi hay theo ngày mà tính theo giờ. Cứ mỗi giờ từ 27-30 nghìn đồng/người, nên thợ phơi cá thích những ngày nắng, dù mệt nhọc nhưng bù lại thu nhập khá hơn.

Nửa đêm mang cá đi rải, giữa trưa cầm gậy đập cật lực để lấy tiền - 7

Vào mùa cá trỏng, có khoảng 500 phụ nữ tại Quỳnh Lập làm việc cho các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn với mức thu nhập từ 200-300 nghìn đồng/ngày.

"Tất nhiên thu nhập cũng phụ thuộc vào sản lượng đánh bắt của các tàu cá. Nếu cá đánh bắt được ít, trong khi người làm đông thì nhanh xong, sản lượng nhiều thì mất nhiều thời gian, công sức hơn, thu nhập vì thế cũng khá hơn. Thường thì chị em làm thuê cho một cơ sở chế biến cá nhất định, thu nhập khoảng 200-300 nghìn đồng/ngày. Cũng có hôm được nửa triệu đồng/ngày nhưng làm từ rạng sáng đến đêm, mỗi năm may ra được vài ngày như thế thôi", chị Chín cho biết thêm.