1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những nữ cửu vạn "làm việc bằng đầu", tính tiền theo giờ

Hoàng Lam

(Dân trí) - Những người phụ nữ này hài hước mô tả bản thân là "cửu vạn làm việc bằng đầu". Cũng không có gì sai, bởi họ dùng cả đầu và lưng để treo, cõng những chiếc gùi nặng trên dưới 40kg.

Trên cánh đồng dứa thuộc thôn 2/9, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, những toán phụ nữ vẫn cần mẫn vận chuyển dứa từ ruộng lên điểm tập kết hoặc đưa thẳng vào thùng xe ô tô. Cách vận chuyển của họ không giống như bình thường, bởi họ sử dụng đầu để treo gùi hàng. Những nhân công này huy động toàn bộ sức mạnh từ đầu, cổ và lưng cho việc gùi hàng.

Công việc cần sức khỏe, sự dẻo dai và nhẫn nại, bởi thế nên nhân lực chủ yếu là phụ nữ, trong độ tuổi 30-45.

Những nữ cửu vạn làm việc bằng đầu, tính tiền theo giờ - 1

Những người phụ nữ làm công việc thu hoạch dứa thuê tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Chị Hà Thị Huệ (thôn Trung Tiến, xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu) chỉnh lại tấm vải đan bằng sợi dây thô để đảm bảo gùi sau lưng cân bằng rồi gần như ngồi bệt xuống ruộng, nhặt từng quả dứa ném qua đầu vào trong gùi. Được tầm 1/3 gùi, chị đứng lên và có người khác cho tiếp dứa vào gùi cho đến lúc đầy quá miệng. Khi chiếc gùi đầy dần lên, chị Huệ phải dùng hai tay giữ tấm vải đang buộc treo qua đầu, kéo lên để giảm sức nặng cho đầu và cổ.

Nữ cửu vạn "làm việc bằng đầu", tính tiền theo tiếng

Khi chiếc gùi chất đầy dứa, chị Huệ vẫn giữ nguyên tư thế tay, chúi đầu về phía trước, xăm xăm bước, di chuyển khỏi ruộng dứa. Mặt chị đỏ bừng, phần trán nhăn lại vì sức nặng của chiếc gùi.

Những nữ cửu vạn làm việc bằng đầu, tính tiền theo giờ - 2

Với chiếc gùi lớn trên lưng, buộc sợi dây quàng lên đầu, nữ nhân công gùi hàng tự cúi xuống nhặt dứa ném vào gùi.

Chị Huệ cùng các chị em trong xóm đến với công việc này đã được 3-4 năm. Khi diện tích dứa ngày càng được mở rộng, có thời điểm nhóm của chị Huệ "chạy sô" mới kịp nhu cầu thu hoạch của chủ ruộng dứa.

"Xã tôi diện tích trồng dứa không nhiều, vẫn chủ yếu là trồng lúa, trồng mía hay sắn. Từ tháng 12 năm này tới tháng 4, tháng 5 năm sau, nhà nông không có nhiều việc nên chị em tranh thủ đi thu hoạch dứa thuê kiếm tiền thôi", chị Huệ nói khi đặt chiếc gùi xuống cân.

Những nữ cửu vạn làm việc bằng đầu, tính tiền theo giờ - 3

Khi nhặt được khoảng 1/3 gùi, họ đứng lên, để người khác chất dứa thêm cho đầy gùi. Dứa càng đầy, gùi càng nặng, họ phải dùng tay để kéo dây treo trên đầu, để giảm áp lực đè lên đầu và cổ.

Lý giải việc dùng đầu để gùi dứa, chị Hà Thị Nguyệt (xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, chiếc gùi to nên khi chất đầy dứa khá nặng, từ 40 - 45kg, có khi lên đến 50kg. Nếu chỉ dùng mỗi lưng để cõng gùi thì nặng, vùng vai sẽ bị quai gùi thít chặt, đau ê ẩm.

"Khi dùng thêm đầu để treo gùi thì sức nặng trên lưng giảm đi, phân bố lực đều ra. Hơn nữa, với tư thế này, mình có thể dùng hai tay kéo quai treo lên, huy động được sức lực đôi tay hỗ trợ, vì thế gùi cũng thấy đỡ nặng hơn. Với lại "luyện" mãi thành quen chứ hồi mới gùi thì đầu đau, cổ cũng đau, tối về không ngủ được", chị Nguyệt giải thích.

Những nữ cửu vạn làm việc bằng đầu, tính tiền theo giờ - 4

Trung bình mỗi chiếc gùi sau khi chất đầy dứa có trọng lượng từ 40-45kg, có khi lên tới 50kg.

Một lý do nữa khiến những nữ cửu vạn này chọn cách dùng đầu chia sẻ gánh nặng với lưng là do địa hình di chuyển. Cách vận chuyển này đặc biệt phù hợp với địa hình đồi núi, giúp giảm sức nặng cũng như tác động lên khung xương, đặc biệt là xương sống.

Thu hoạch dứa là công việc vất vả, nặng nhọc nhưng không kém phần nguy hiểm. Những quả dứa sau khi thu hoạch, phần cuống vẫn để lại ở cây, vát nhọn hoắt. Lá dứa đầy gai nhọn, sắc, chọc qua lớp vải, cắt cả vào tay, vào chân nham nhở, rớm máu. 

Những nữ cửu vạn làm việc bằng đầu, tính tiền theo giờ - 5

Những nữ cửu vạn hài hước ví công việc nặng nhọc này là "làm việc bằng cái đầu"...

"Lúc làm thì không thấy đau đâu nhưng tối về tắm rửa, nước vào xót lắm", chị Hà Thị Quỳnh cho biết. Bởi vậy, thợ thu hoạch dứa phải chọn găng tay hay những chiếc quần vải dày hoặc mặc một lúc 2 chiếc quần dài. Nay chị em thường mua thêm ủng nhựa, găng tay nhựa để bảo vệ tay, chân và quần áo đỡ bị dứa cắt vào.

"Gùi mãi thành quen, cũng không tính nổi mỗi ngày gùi bao nhiêu tấn dứa nữa. Mà chúng tôi cũng không tính tiền vận chuyển theo chuyến. Tiền công được trả theo giờ, mỗi giờ 60.000 đồng/người", chị cho biết thêm.

Những nữ cửu vạn làm việc bằng đầu, tính tiền theo giờ - 6

Dùng cả đầu, cổ và lưng để mang một gùi hàng nặng, nữ cửu vạn này phải bảo hộ kỹ nếu không muốn chân tay xây xước, rớm máu vì thân, lá dứa...

Tiền công tính theo giờ nên ruộng bé, quãng đường di chuyển ngắn thì nhanh xong. Gặp những ruộng rộng, quãng đường di chuyển đến điểm tập kết quả dứa để chất lên xe trung chuyển hay xe tải của thương lái lâu hơn. Mức giá công vận chuyển không đổi dù chủ vườn tự cắt dứa hay những người được thuê vừa cắt vừa vận chuyển. Bù trừ giữa thời gian và công sức bỏ ra thì những người thu hoạch dứa thuê cũng không bị thiệt thòi.

Những nữ cửu vạn làm việc bằng đầu, tính tiền theo giờ - 7

Những người phụ nữ này không nhớ mỗi ngày mình có thể vận chuyển được bao nhiêu tấn dứa nhưng cao điểm có ngày họ có thể kiếm được 500-600.000 đồng.

Những mùa dứa được giá, thương lái thu mua nhiều, nhu cầu thuê người thu hoạch tăng cao, chị Huệ, chị Quỳnh... chỉ sợ "không có sức mà làm". Điều đó đồng nghĩa là mức thu nhập khá, mỗi nữ cửu vạn có thể kiếm được 500-600 nghìn đồng/ngày.

Những nữ cửu vạn làm việc bằng đầu, tính tiền theo giờ - 8

Dù quãng đường xa hay gần, thuận lợi hay không thì tiền công của người gùi dứa vẫn duy trì tính theo thời gian, mức 60.000 đồng/người/giờ.

"Năm nay dứa mất mùa, rớt giá, người thu mua ít, người thuê thu hoạch cũng ít, ngày kiếm vài ba trăm nghìn cũng khó. Khi mình còn khỏe, còn có sức mới trụ được với việc chứ tầm 50 tuổi trở lên, xương khớp rệu rạo cả rồi, không làm được nữa đâu", chị Quỳnh cho biết.