1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề lạ, lùa bùn bắt trùn chỉ, làm một buổi thu nhập nửa triệu đồng

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Nghề lùa bùn để bắt trùn dưới sông chỉ "cày" một buổi cho thu nhập khoảng nửa triệu đồng, nhưng người làm phải ngâm mình dưới dòng nước ô nhiễm, đối mặt nguy cơ bệnh tật.

Ông Nguyễn Đình Chắc (50 tuổi, ngụ xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết đã làm nghề bắt trùn chỉ được 4-5 năm nay. Mỗi buổi sáng, ông chạy xe máy chở đồ nghề là một cái vợt và 2 thau nhựa ra sông Maspero ở TP Sóc Trăng để bắt trùn chỉ về bán cho các điểm kinh doanh cá cảnh hoặc ương cá bột giống. 

"Thường chỉ bắt được trùn chỉ vào buổi sáng, khi con nước ròng (nước xuống), đến khi nước rong (nước lên) là về. Mỗi ngày tôi cũng chỉ làm ở mức kiếm khoảng 500.000 đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình", ông Chắc nói.

Nghề lạ, lùa bùn bắt trùn chỉ, làm một buổi thu nhập nửa triệu đồng - 1

Người dân Sóc Trăng bắt trùn chỉ dưới sông (Ảnh: Xuân Lương).

Nói về kinh nghiệm tìm trùn dưới dòng sông, ông Chắc cho biết, quan sát màu nước và độ mịn của bùn, nếu nước vẩn đục, bùn mịn, chắc chắn chỗ đó có nhiều trùn.

Khi đã xác định được vị trí có trùn, người bắt sục vợt xuống dưới nước, ngâm mình ngập đến cổ rồi dùng tay lùa bùn vào vợt cho đến khi đầy vợt thì đưa lên. Sau đó là khâu lắc vợt, lọc cho bùn trôi bớt ra ngoài, còn trùn chỉ sót lại.

 Anh Nguyễn Hữu Hùng (ngụ tại phường 6, TP Sóc Trăng) cho biết, công việc lùa bắt trùn chỉ tuy có thu nhập khá nhưng rất cực nhọc. Ngâm mình dưới dòng nước đục ngầu ngày này qua ngày khác rất dễ bị bệnh ngoài da. 

Anh Khởi (một người bắt trùn chỉ ở TP Sóc Trăng) quả quyết, phải xuống dưới nước mới biết được sự nguy hiểm. Thời gian đầu anh thấy rất khó chịu nhưng làm riết rồi cũng quen.

Nghề lạ, lùa bùn bắt trùn chỉ, làm một buổi thu nhập nửa triệu đồng - 2

Để bắt trùn chỉ, người thợ phải ngâm mình dưới dòng nước đục bùn, ô nhiễm (Ảnh: Xuân Lương).

Dọc theo sông Maspero có khoảng 6-7 người hành nghề bắt trùn chỉ, họ đi hết chỗ này lại sang chỗ khác. Kinh nghiệm là nơi nguồn nước càng ô nhiễm lại càng có nhiều trùn chỉ. "Mỗi ngày tôi bắt được khoảng 2-3 ký trùn, cũng có ngày nhiều hơn, mỗi ký bán được 120.000 đồng", anh Khởi nói.

Nhiều người trong nghề tâm sự, làm công việc này vất vả, cực nhọc, nguy hiểm nhưng cho thu nhập ổn định, vì mưu sinh mà phải "đeo" nghiệp.

"Làm nghề này chỉ mong đừng gặp sự cố, sức khỏe tốt là được. Nói thì vậy nhưng tôi và nhiều người vẫn mong dòng sông không ô nhiễm thì tốt hơn, có thể mình không bắt trùn chỉ nhưng sẽ kiếm công việc khác để làm, bảo vệ sức khỏe lâu dài", ông Nguyễn Đình Chắc trải lòng.