1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Nam:

Nữ thạc sĩ rời TPHCM về quê nuôi giống gà đen xì, nhặt trứng mỏi tay

Hoài Sơn

(Dân trí) - Tốt nghiệp cao học với tấm bằng thạc sĩ kinh tế, là nhân viên ngân hàng tại TPHCM nhưng chị Phạm Thị Nhân (30 tuổi) quyết định từ bỏ, về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi gà ác lấy trứng.

"Từ cõi chết" trở về lập nghiệp

Chúng tôi biết chị Phạm Thị Nhân tại chợ phiên du lịch ở TP Hội An vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 thì có dịp ghé thăm trang trại gà ác của chị tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

Nữ thạc sĩ rời TPHCM về quê nuôi giống gà đen xì, nhặt trứng mỏi tay - 1

Chị Phạm Thị Nhân đã quyết định rời phố về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi gà ác.

Dẫn chúng tôi tham quan khu trại, chị Nhân cho biết, vốn dĩ gia đình chị không phải là dân chuyên buôn bán nên bản thân chị cũng là người khá thụ động và tư tưởng có chút an phận.

Năm 2018, chị ra trường với tấm bằng thạc sĩ kinh tế, được nhận vào làm tại một ngân hàng ở TPHCM với mức lương khá cao. Tưởng chừng cuộc sống của chị sẽ bình lặng khi lập gia đình và ổn định với công việc làm công ăn lương.

Nhưng bất ngờ, chị lại gặp một cơn tai biến khi đang mang thai đứa con đầu lòng. Sau cơn bạo bệnh, sức khỏe của chị suy giảm và bản thân mang trong mình sự tự ti về ngoại hình, cứ nghĩ cuộc đời như vậy là xong rồi.

Nữ thạc sĩ rời TPHCM về quê nuôi giống gà đen xì, nhặt trứng mỏi tay - 2

Để có được trang trại như ngày hôm nay, chị Nhân đã trải qua không ít lần thất bại.

"Lúc đó, tôi đã xin nghỉ việc và cùng chồng về quê để chăm con. Những ngày bệnh tật, tôi chỉ ăn bám mẹ. Ai cũng nghĩ đó là sướng nhưng với tôi, vừa biết ơn mẹ, tôi đồng thời cảm thấy áy náy, có lỗi vô cùng. Tôi rất muốn tự thân lập nghiệp để có thể lo cuộc sống của mình", chị Nhân tâm sự.

Với quyết tâm đó, xác định niềm đam mê chăn nuôi, chị Nhân mạnh dạn vay vốn ngân hàng, xây dựng chuồng trại để nuôi 200 con heo thịt và 3.000 con gà ác.

Khi mới chập chững bước vào con đường này, kinh nghiệm còn quá non nớt, chỉ trong vòng 3 tháng, chỉ phải xuất bán gấp đàn heo 200 con vì lo sợ dịch bệnh sẽ mất trắng.

Dù thua lỗ nặng nề nhưng chị Nhân vẫn quyết định vay mượn thêm để mở rộng sản xuất với một trại gà ác quy mô 5.000 con khi nhận thấy chăn nuôi gà ác hiệu quả hơn vì loại gia cầm này mới lạ, thị trường trứng cũng rất chạy.

Nữ thạc sĩ rời TPHCM về quê nuôi giống gà đen xì, nhặt trứng mỏi tay - 3

Hiện tại, trại của chị Nhân đã mở rộng quy mô nuôi lên 5.000 con gà ác.

Sau khi xây dựng chuồng trại và nâng quy mô đàn gà, chị Nhân lại rơi vào khủng hoảng một lần nữa. Lúc này, thị trường trứng gia cầm thực sự khốc liệt, sản phẩm bán ra rất chậm và giá thành lại không cạnh tranh được với các sản phẩm khác trên thị trường.

"Những ngày đầu, cả gia đình tôi đã chạy khắp nơi để tìm đầu ra cho trứng. Cũng may có được vài đối tác, dần dần đầu ra cũng bắt đầu ổn định. Sau nhiều lần thất bại, tôi đã tìm được hướng đi của mình là chăn nuôi gà sạch để phát triển trang trại", chị Nhân chia sẻ.

Nữ thạc sĩ về quê nuôi gà ác lấy trứng, làm giàu ở quê hương

Nhặt trứng mỏi tay mỗi ngày

Theo chị Nhân, gà ác có thân hình nhỏ, lông trắng, da, thịt, xương và mỏ đều có màu đen. Gà ác bản tính hiền lành, khá "nhát người". Thời gian tăng trọng của gà tuy không nhanh nhưng rất chắc con, thịt thơm ngon, không bị nhũn, được người tiêu dùng ưa chuộng.

"Gà ác thường xuất bán khi trọng lượng trung bình đạt từ 1-1,3kg, giá bán 120.000 đồng/con. Trung bình mỗi lần gia đình tôi xuất bán trên dưới 2.000 con gà thịt", chị Nhân bộc bạch.

Nữ thạc sĩ rời TPHCM về quê nuôi giống gà đen xì, nhặt trứng mỏi tay - 4

Tất cả các khu đều được chị Nhân phân chia rõ ràng, với quy trình chăn nuôi chặt chẽ.

Bên cạnh gà ác thịt, nguồn thu nhập chính từ trại của chị Nhân là trứng. Gà từ 5 tháng tuổi là có thể đẻ, thời hạn khai thác một năm là thay đàn để đảm bảo gà đẻ khỏe, trứng đạt chất lượng.

Trứng gà ác có kích thước nhỏ hơn so với các loại trứng gà khác. Tuy vậy tỷ lệ lòng đỏ lại cao và bổ dưỡng nên khá được ưa chuộng.

"Mỗi ngày, tôi có thể thu hoạch 2.000 quả trứng và bán ra thị trường 1.200 quả, kiếm về hơn 3 triệu đồng. Trứng có giá từ 28.000-30.000 đồng/10 quả. Một năm doanh thu của trại là hơn 1 tỷ đồng, trừ hết chi phí thì có thể thu lãi trên 200 triệu đồng", chị Nhân tiết lộ.

Nữ thạc sĩ rời TPHCM về quê nuôi giống gà đen xì, nhặt trứng mỏi tay - 5

Hệ thống chuồng nuôi được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn để đàn gà phát triển tốt nhất.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà ác, chị Nhân cho biết, trong quá trình nuôi cần phải tiêm đầy đủ một số vaccine ngừa bệnh nguy hiểm như dịch tả, cầu trùng, đặc biệt là cúm cho đàn gà.

Để gà ác tăng trưởng tốt, chuồng nuôi đòi hỏi phải ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Nền chuồng nuôi gà ác tốt nhất sử dụng đệm lót sinh học để khỏi bốc mùi, ô nhiễm.

Nữ thạc sĩ rời TPHCM về quê nuôi giống gà đen xì, nhặt trứng mỏi tay - 6

Gà ác có thân hình nhỏ, lông trắng, da, thịt, xương và mỏ đều có màu đen.

Nữ thạc sĩ rời TPHCM về quê nuôi giống gà đen xì, nhặt trứng mỏi tay - 7

Gà ác thường được xuất bán khi trọng lượng trung bình đạt từ 1kg trở lên.

Nữ thạc sĩ rời TPHCM về quê nuôi giống gà đen xì, nhặt trứng mỏi tay - 8

Bên cạnh gà ác thịt, nguồn thu nhập chính từ trại của chị Nhân là trứng.

Nữ thạc sĩ rời TPHCM về quê nuôi giống gà đen xì, nhặt trứng mỏi tay - 9

Trứng gà ác có kích thước nhỏ hơn so với các loại trứng gà khác.

Nữ thạc sĩ rời TPHCM về quê nuôi giống gà đen xì, nhặt trứng mỏi tay - 10

Mỗi ngày, trại chị Nhân có thể thu được hơn 2.000 quả trứng. Trứng gà ác của chị Nhân đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP vào năm 2021.