1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nữ sinh Việt tá hỏa vì cảnh sát Hàn Quốc triệu tập, bởi chiếc túi đựng rác

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Nhà hết túi đựng rác chuyên dụng, Hồng bỏ rác vào túi nilon mang đi vứt. Cô bị cảnh sát Hàn Quốc mời lên làm việc, xử phạt 200.000 won (gần 4 triệu đồng).

Nguyễn Thị Hồng (25 tuổi, quê Quốc Oai, Hà Nội) gần đây thu hút sự chú ý trên diễn đàn lao động Việt tại Hàn Quốc khi chia sẻ video về việc bất ngờ bị mời lên đồn cảnh sát ở nước sở tại.

Trong đoạn clip, nữ du học sinh người Việt tỏ ra xấu hổ khi kể lại "kiếp nạn" mất gần 4 triệu đồng vì không dùng đúng loại túi rác.

Nữ sinh Việt tá hỏa vì cảnh sát Hàn Quốc triệu tập, bởi chiếc túi đựng rác (Clip: NVCC).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Hồng cho biết, sau 6 năm sinh sống tại Hàn Quốc, bản thân cô đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống, bao gồm cả "văn hóa đổ rác". Song, cô không ngờ lại "đánh rơi" tiền vì hành động bất cẩn của bản thân.

Hồng kể, thứ 6 tuần trước cô bị mời lên đồn cảnh sát do dùng túi nilon đựng rác thay vì sử dụng đúng loại túi chuyên dụng.

"Hôm đó, trong nhà hết túi đựng rác nên tôi dùng túi nilon và nghĩ không có vấn đề gì. Sau đó, tôi mang rác đổ đúng nơi quy định. Sáng hôm sau cơ quan chức năng tới tận nhà gõ cửa và mời tôi lên đồn cảnh sát vì lý do "đựng rác không đúng túi quy định".

Tôi bị phạt 200.000 won (gần 4 triệu đồng). Khi đăng clip tôi vẫn còn xấu hổ nhưng muốn chia sẻ cho mọi người biết và rút kinh nghiệm", Hồng nhớ lại.

Câu chuyện dở khóc dở cười nhanh chóng lan truyền trên mạng. Nhiều người Việt xem clip tỏ ra bất ngờ và tá hỏa đi tìm hiểu luật ở Hàn Quốc.

"Có lần tôi bỏ rác vào thùng giấy mà không phân loại, sáng hôm sau thấy thùng rác đặt trước cửa phòng, kèm theo là tờ giấy với lời nhắn 'hãy phân loại rác'. May mắn lần đó tôi không bị phạt", tài khoản Trần Vân kể tình huống của mình.

Cũng mất tiền vì chuyện đổ rác, tài khoản Minh Lương viết: "Mình cũng vừa bị phạt 200.000 won".

Thấm những "bài học giá nhiều triệu đồng", những người từng dính phạt cho biết, quy định xử lý rác ở Hàn Quốc rất khắt khe.

Túi đựng rác được chia làm 2 loại. Một loại dành cho rác hữu cơ như thức ăn thừa, rau củ quả không ăn được (gọi là eumsikmul sseuregi). Loại thứ 2 là túi rác thường (ilban sseuregi) để đựng các loại rác không có khả năng tái chế.

"Ở Hàn Quốc quy định rất rõ về các loại rác thải, các loại túi đựng rác. Do đó, trước khi vứt rác mọi người cần phân loại và đựng rác đúng loại túi quy định. Nếu không có thể không được vứt rác, thậm chí bị phạt tiền.

Ngoài ra, việc đổ rác cũng phải tuân thủ giờ quy định, không thể tiện đâu bỏ đó hoặc muốn đổ rác lúc nào cũng được", nữ sinh Nguyễn Thị Hồng nói.

Suýt mất số tiền lớn vì quên mang giấy tờ tùy thân

Cô gái Hà Nội cho biết thêm, ở Hàn Quốc có vô số quy định cần ghi nhớ để tránh vi phạm và bị phạt tiền. Một trong số đó là việc ra ngoài mà không mang theo giấy tờ tùy thân.

Theo lời cô gái trẻ, giấy tờ tùy thân là thứ vô cùng quan trọng vì liên quan đến nhiều vấn đề an ninh, an toàn của mỗi người và giúp nhà chức trách dễ dàng quản lý, kiểm soát. Vì vậy, người nước ngoài ở Hàn Quốc, đặc biệt là du học sinh mỗi khi ra ngoài nhất thiết không được quên vật dụng quan trọng này.

Nữ du học sinh Việt kể "kiếp nạn" ai cũng có thể mắc phải ở Hàn Quốc (Clip: NVCC).

"Chuyện là, hôm đó tôi và bạn của mình đi ăn ở gần trường, bên ngoài trường lúc đó có nhiều cảnh sát đang kiểm tra giấy tờ tùy thân của người nước ngoài. Tôi đi xe điện, cũng bị họ gọi vào.

Cảnh sát yêu cầu chúng tôi xuất trình giấy tờ tùy thân. Tôi có mang đầy đủ giấy tờ, còn người bạn đi cùng nghĩ chỉ đi ra ngoài ăn một lát nên không mang theo. Sau đó, bạn tôi bị cảnh sát giữ lại và tôi phải chạy về phòng lấy giấy tờ giúp, lúc đó bạn tôi mới được thả", Hồng kể.

Theo lời nữ du học sinh, nếu bị cảnh sát kiểm tra mà không đáp ứng được yêu cầu, mức phạt cho trường hợp không mang theo giấy tờ tùy thân tối đa có thể lên tới 1 triệu won (hơn 18 triệu đồng).

"Kiếm tiền ở xứ người đã khó mà lại chịu "án phạt" nặng bất ngờ như thế thì quả là đen đủi. Mọi người khi ra đường nhớ mang theo chứng minh thư, căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân để tránh mất tiền oan", Hồng nhắn nhủ.