1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động Việt ở Nhật sốc vì vừa xin cam hôm sau hàng xóm chặt cây

Gia Đoàn

(Dân trí) - Thấy những trái cam chín trĩu cành mà không ai thu hoạch, quả rụng đầy gốc, anh Q. chạy tới hỏi xin chủ nhà người Nhật Bản 2 quả. Người chủ vui vẻ cho ngay nhưng hôm sau anh thấy cây cam bị chặt bỏ.

"Anh em Việt Nam nhớ đừng xin hoa quả mọc bên đường hoặc ở nhà dân tại Nhật Bản", anh Q., một lao động người Việt từng sinh sống và làm việc 5 năm ở "xứ sở hoa anh đào" đúc kết kinh nghiệm.

Sang Nhật Bản làm việc theo đơn hàng máy xúc, anh Q. cho biết rất khâm phục những đức tính, phẩm chất nổi trội của người dân tại đây như sự cần cù, chịu khó và trung thực. Tuy nhiên dù sống tại Nhật một thời gian không ngắn vẫn có không ít chuyện khiến anh thấy bất ngờ.

Lao động Việt ở Nhật sốc vì vừa xin cam hôm sau hàng xóm chặt cây - 1
Theo kinh nghiệm của nhiều lao động Việt Nam, không nên hái cây trái trồng bên đường ở Nhật (Ảnh: Trần Văn Tiến).

Một trong những kỷ niệm khiến anh nhớ mãi là một lần trên đường đi làm về, anh cùng nhóm bạn người Việt Nam nhìn thấy những cây cam trồng ở ven đường với quả chín trĩu cành.

Thấy nhiều quả chín, rụng đầy gốc mà không ai thu hoạch, anh Q. tiếc rẻ nên bấm bụng hỏi xin chủ vườn 2 quả. Người chủ không chần chừ, tặng cam cho vị khách Việt với thái độ vui vẻ.

Ngày hôm sau, khi anh Q. quay lại đúng con đường này, anh sốc khi nhìn thấy cây cam hôm qua còn tươi tốt, nay đã bị chặt bỏ. Không hiểu chuyện gì xảy ra, anh Q. đã hỏi những người Việt từng có kinh nghiệm sống ở Nhật mới vỡ lẽ nhiều điều trước đây không biết.

Lao động Việt ở Nhật sốc vì vừa xin cam hôm sau hàng xóm chặt cây - 2

Ngày hôm sau quay lại, vị khách Việt bất ngờ khi thấy cây cam bị chặt bỏ (Ảnh cắt từ clip).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Trần Văn Tiến, có kinh nghiệm làm việc 5 năm ở tỉnh Ibaraki và Saitama, nhận định đây là nét riêng trong văn hóa ứng xử, quan niệm sống của Nhật Bản mà người nước ngoài tới sinh sống và làm việc nên tôn trọng.

"Tôi từng biết câu chuyện về một nữ lao động người Việt Nam nhìn ngôi nhà ở ven đường có nhiều hoa nở rất đẹp và dừng lại chụp ảnh. Trước đó, cô gái có hỏi ý kiến và chủ nhà vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên ngay sau khi cô gái rời đi, chủ nhà liền phá bỏ luôn bụi hoa", anh Tiến nói.

Theo chàng trai 27 tuổi, người Nhật Bản rất thận trọng và đề cao tính an toàn bản thân. Phía trước mỗi ngôi nhà thường có hòm thư ghi số điện thoại và địa chỉ. Nếu người lạ dừng lại chụp ảnh có thể bị lộ địa chỉ riêng vào bức hình. Có thể đó là cây hoa người chủ phải chăm bón rất lâu và yêu thích, nhưng họ chấp nhận phá bỏ để tránh gặp phiền toái lần thứ hai.

Lao động Việt ở Nhật sốc vì vừa xin cam hôm sau hàng xóm chặt cây - 3
Anh Tiến làm việc tại một vườn trái cây ở Nhật Bản (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cùng chung quan điểm, anh Phùng Minh Long, người từng sống ở Nhật 10 năm, cho biết, có nhiều lý do khiến người chủ vườn hành động như trong trường hợp kể trên.

Theo kinh nghiệm và quan sát của anh Long, người Nhật luôn đề cao tính riêng tư cá nhân và không thích bị người khác để ý tới tài sản, dù chỉ là cây cối, hoa trái. Nếu thấy món tài sản của mình thu hút người lạ, họ sẵn sàng hủy bỏ để đỡ bị nhòm ngó hay soi xét.

Trong vườn nhà, người Nhật thường trồng nhiều cây trái cho quả như hồng, táo, cam nhưng mục đích chỉ để lấy bóng mát. Cây có nhiều quả chín rụng xuống đất cũng chỉ để chim chóc ăn. Nếu muốn ăn, người dân sẽ mua hoa quả trong siêu thị, vì đó là nguồn thực phẩm được kiểm soát về chất lượng, sự an toàn.

"Nhiều lao động Việt Nam sang Nhật thấy hoa quả ngon lành trên cây mà không ai thu hái, chín rụng gốc, nghĩ đơn giản như tại quê nhà nên xin về ăn cho đỡ phí. Bất cứ ai hỏi, chủ nhà người Nhật đều hào phóng cho luôn mà không hề tỏ ra phiền lòng. Nhưng sau đó, họ sẽ lặng lẽ phá bỏ cây", anh Long cho biết.

Anh Q. phải mất một thời gian để tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân, hiểu ra những lý do tế nhị sau việc này.

"Anh em Việt Nam sang Nhật Bản làm việc có thấy hoa quả rụng đầy đường thì tốt nhất là cứ bỏ qua, đừng dừng lại hỏi xin. Muốn có trái cây ăn, các bạn hãy đi chợ, vào siêu thị để mua. Mỗi quốc gia đều có những nét văn hóa và quan điểm riêng, khách nước ngoài cần tôn trọng", anh Q. nói.