1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Nữ quái” chuyên lừa đảo chạy việc liên tỉnh lĩnh án

Với chiêu “nổ” quen biết nhiều cán bộ cấp cao, có thể chạy việc vào bệnh viện Trung ương Huế và các cơ quan nhà nước khác, Hoa-nguyên cán bộ Trung tâm Y khoa MEDIC tỉnh TT-Huế và đồng bọn đã lừa đảo nhiều người dân, chiếm đoạt hơn 27 tỷ đồng.

Ngày 27/9, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa (SN 1962, trú tại số 9 Ngô Thời Nhậm, phường Thuận Thành, TP.Huế, tỉnh TT-Huế) và bị cáo Nguyễn Thị Hường (SN 1959, trú tại phường 1, TX. Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Liên quan đến vụ án, 2 bị cáo Nguyễn Văn Sung (SN 1973, trú tại TP.Huế) và Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1982, trú tại TP.Huế) cũng bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa (trái) cùng các bị cáo tại phiên tòa
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa (trái) cùng các bị cáo tại phiên tòa

Theo hồ sơ vụ án, mặc dù không có thẩm quyền tuyển dụng nhân sự vào làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế và thuyên chuyển công tác cán bộ, nhưng vì lợi dụng sự nôn nóng tìm việc làm của người dân dành cho con mình, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2013 đến tháng 9/2015 Hoa và Hường đã thực hiện nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo chạy việc cho nhiều người trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế.

Hoa và Hường nói rằng mình có thể chạy việc cho con em các gia đình đó, với giá 130 triệu đồng/suất vào làm ở Bệnh viện. Ngoài ra, Hoa còn hứa xin việc vào các cơ quan khác để lừa nhiều người. Cụ thể, để vào ngành Giáo dục là 80 - 100 triệu đồng/suất; vào ngành Quân đội, Công an với giá 300 - 320 triệu đồng/suất...

Để tạo dựng lòng tin với các bị hại, Nguyễn Thị Thanh Hoa đã soạn thảo các văn bản thông báo , quyết định về việc tuyển dụng viên chức của Bệnh viện Trung ương Huế rồi giả chữ ký của Giám đốc Bệnh viện này. Nhưng vì không có con dấu để đóng nên Hoa đã thuê Nguyễn Văn Sung (thợ điêu khắc) khắc con dấu giả với giá 9 triệu đồng với lý do làm dấu để sử dụng đóng vào vé xe của Bệnh viện.

Do 2 lần khắc dấu giả không được, nên Sung thuê lại Nguyễn Quốc Tuấn (trú ở phường Vĩnh Ninh, TP Huế cũng làm nghề điêu khắc) làm con dấu giả với giá chỉ 600 nghìn đồng, còn 8 triệu 4 trăm nghìn đồng Sung bỏ túi riêng. Sau khi hoàn tất làm giả các giấy tờ, Hoa chuyển cho Hường để chuyển tiếp đến các bị hại.

Để thực hiện được thủ đoạn gian dối của mình, Hoa nói với Đinh Tiên Hoàn và Lê Đình Tuấn (nhân viên Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) “giúp đỡ” Hoa tìm đối tượng để hưởng 10 - 15% số tiền thu được. Lúc này, Nguyễn Thị Hường (nhân viên Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) biết tin cũng về giúp sức tìm kiếm những trường hợp đang cần việc làm tại địa phương.

Theo đó, do có quen hệ quen biết từ trước với chị Hồ Thị Giang (trú tại TP.Đông Hà), khoảng tháng 8/2013 Hường trao đổi qua điện thoại với chị Giang nội dung: Đinh Tiên Hoàn và Lê Đình Tuấn có khả năng xin được việc làm cho những ai có nhu cầu vào làm tại Bệnh viện Trung ương Huế với điều kiện phải chi ra một khoản chi phí.

Tin lời Hường, chị Giang cùng mẹ là Nguyễn Thị Tuất nhờ Hường giúp đỡ. Ngày 11/9/2013, Hường cùng hai mẹ con chị Giang vào nhà trọ của Tuấn ở TP.Huế. Tại đây hai mẹ con Giang đã trao đổi trực tiếp với Hoàn và Tuấn rồi đưa cho Hoàn 120 triệu để xin việc cho chị Giang. Nhận tiền xong, Hoàn viết giấy biên nhận giao cho chị Giang giữ. Sau đó toàn bộ số tiền được chuyển khoản cho Nguyễn Thị Thanh Hoa.

Với các thủ đoạn tương tự trên, nhóm của Hoa đã chiếm đoạt số tiền gần 2 tỷ đồng của 21 trường hợp tại tỉnh Quảng Trị.

Sau hơn 2 năm núp bóng, đường dây “chạy việc” siêu khủng này bị phanh phui khi Hoa và Hường “tung” các thông báo, quyết định giả cho một số bị hại. Ngày 18/9/2015, Công an thị xã Quảng Trị khởi tố vụ án, ngày 20/9/2015 khởi tố bị can và chuyển hồ sơ lên Cơ quan điều tra Công an tỉnh thụ lý đúng thẩm quyền.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đều mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Sau thời gian nghị án, căn cứ vào tình tiết vụ án HĐXX xét thấy, trường hợp phạm tội của bị cáo Sung và Tuấn là lần đầu, chưa nhận thức rõ việc làm giả con dấu là vi phạm pháp luật , hơn nữa khi vụ án xảy ra các bị cáo đều không biết là Hoa dùng con dấu đó để thực hiện thủ đoạn trái pháp luật. Từ nhận định trên HĐXX đã tuyên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Sung và Tuấn, buộc 2 bị cáo phải bồi thường thiệt hại và án phí mỗi người là 5 triệu đồng.

Đối với trường hợp phạm tội của hai bị cáo Hoa và Hường, HĐXX xét thấy hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo Hoa lại phạm tội nhiều lần và bằng các thủ đoạn tinh vi nên cần phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Do đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa 16 năm tù đối với tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 1 năm tù với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” tổng mức hình phạt 17 năm tù.

Đối với bị cáo Nguyễn Thị Hường tuyên phạt 13 năm tù về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 1 năm tù với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” tổng mức hình phạt là 14 năm tù. Đồng thời về trách nhiệm dân sự buộc các bị cáo phải liên đới có trách nhiệm bồi thường cho 21 bị hại trong vụ án.

Trước đó, ngày 29/10/2015, TAND tỉnh Quảng Bình mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thị Thanh Hoa 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi lừa đảo xin việc cho 45 người, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.

Như vậy, gộp chung bản án của của TAND tỉnh Quảng Bình dành cho bị cáo Hoa vào ngày 29/10/2015 tại bản án sơ thẩm số 21/2015/HSST, mức án mà bị cáo Hoa phải chịu là 24 năm tù.

Được biết, sau khi nhận bản án xét xử tại TAND tỉnh Quảng Trị lần này, trước đó ngày 15/10/2015 bị cáo Hoa cũng bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh TT-Huế ra quyết định khởi tố bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do đó, bị cáo Hoa cũng sẽ tiếp tục bị truy tố và đưa ra xét xử tại tỉnh TT-Huế trong thời gian tới, trước khi nhận bản án cuối cùng.

Theo Congly.vn