Nữ nhân viên phải điều trị tâm thần vì cay nghiệt, chơi xấu đồng nghiệp
(Dân trí) - Nhớ lại những lời nói, hành động của mình đối với đồng nghiệp, với người xung quanh, giờ chị Nhân vẫn thấy ghê sợ bản thân. Chị đang vật vã chữa lành cho mình...
Xỉa xói đồng nghiệp đẻ... con gái
Hai năm trước, sau khi ly hôn, chị Thu Nhân (tên nhân vật đã được thay đổi) quyết định đưa con về quê, bỏ lại công việc kế toán ổn định, thu nhập cao ở TPHCM.
Chị về quê với mong muốn tự chữa bệnh cho mình - một căn bệnh kỳ quái, cay nghiệt, tàn nhẫn với người khác. Chị không thể nhớ mình đã làm tổn thương, đẩy bao nhiêu người xuống vực thẳm vì lời nói, hành động của mình.
Chị nhận ra, từ khi học cao đẳng đã bắt đầu thường trực cảm giác ghen ghét, khó chịu khi người khác vui vẻ, hạnh phúc, thành công. Chị lúc nào cũng thấy mình thua thiệt so với mọi, thấy bản thân bị đối xử bất công, không được ưu ái. Lúc đó chị tẩy chay, không liên lạc với một số người bạn xinh đẹp, giỏi giang hơn mình.
Đi làm vài năm, khi đã là "ma cũ" ở công sở, có vị trí nhất định, sự khó chịu của chị với mọi người càng bộc lộ rõ. Những lời cay nghiệt chị dành cho mọi người kể không xuể, từ chê bai hình thức tới phê phán về năng lực, gièm pha về hoàn cảnh...
Chị nghẹn ngào nhắc lại việc đã từng gọi một cậu em đồng nghiệp là "đồ thiểu não", bĩu môi chê một em gái khác là "xấu vậy ma nó lấy!". Một người bạn sinh hai cô con gái cũng bị chị xỉa xói "đàn bà không biết đẻ".
Điều ám ảnh nhất là khi đó, chị còn tấn công cả những đứa trẻ. Có bé gái con của đồng nghiệp công ty đã bị chị trợn mắt đuổi ra ngoài rồi chêm thêm: "Con bé này xấu giống mẹ!". Hay có lần chị hỏi thăm một bé khác: "Bố mày có bồ phải không?" khiến đứa bé rúm ró, run rẩy nhìn chị như phù thủy.
Không chỉ lời nói, nhiều lần chị "chơi xấu" đồng nghiệp bằng hành động. Chị từng lén chỉnh sửa tài liệu báo cáo của người khác dẫn đến việc họ bị kỷ luật, lén đổ nước vào máy tính của một đồng nghiệp vừa được khen thưởng...
Thời điểm vợ chồng căng thẳng, hôn nhân bên bờ vực đổ vỡ, chị càng trở nên... "gớm ghiếc" với mọi người xung quanh. Không chỉ đồng nghiệp mà ngay cả bố mẹ ruột, chồng con, người thân, hàng xóm... chị đều đả kích rất gay gắt. Chị lúc đó như một mồi lửa, sẵn sáng châm, đốt bất kỳ ai.
Chị hay chê bai, đánh, chửi bới con. Với chồng, chị xù lông nhím. Có lần, uất ức trong người, chị nhổ nước bọt vào ấm trà của chồng.
Sau khi vợ chồng ly hôn được một thời gian, chuyển sang nhà mới, chị mới giật mình, tìm một chút thăng bằng. Chị nhận ra vấn đề không phải ở người xung quanh mà ở chính mình.
Đến một ngày, với rất nhiều dũng khí, chị Nhân đến bệnh viện tâm thần thăm khám và điều trị. Chị vật lộn với sự bất ổn, xấu xí trong con người mình. Chị tự trách mình độc ác, khốn nạn và đã không ít lần nghĩ đến tự sát. Chị quyết định đưa con về quê như một cách để chữa lành cho mình.
Giờ đây, nghĩ lại những gì mình đối xử với mọi người chị lại ghê tởm, chán ghét chính bản thân. Vậy nhưng, ngay hiện tại, vẫn có lúc chị vẫn tuôn ra những lời cay nghiệt với con, với người xung quanh.
Chị Nhân không lý giải được một cách rõ ràng vì sao con người mình lại xấu xí, tàn nhẫn đến vậy. Nhưng chị mơ hồ nhận ra có thể do hồi nhỏ chị hay bị mọi người chê bai, hắt hủi, từng hứng chịu nỗi thất vọng của bố mẹ khi chị - đứa con thứ 3 vẫn là con gái.
Những uất ức, chán nản vì không sinh được con trai của bố mẹ trút hết lên đầu chị... Khi cô bé Nhân 11 tuổi, bố mẹ sinh em trai, chị được gửi cho người dì ở xa nuôi. Ở đó có quá nhiều ký ức kinh hoàng mà chị không muốn nhắc lại.
"Phải chăng tôi đã không được yêu thương nên tôi cũng không thể yêu thương người khác?", người phụ nữ 36 tuổi nghẹn đắng khi nói về mình.
Giờ đây, chị thấy mình đang thay đổi dần, bớt xấu xí hơn. Chị dự tính một ngày nào đó sẽ liên lạc với những người mình gây tổn thương để nói lời xin lỗi chân thành nhất.
Có thể nhiều người đã quên nhưng chị thì không. Có thể họ đã tha thứ cho chị nhưng chị chưa tha thứ cho bản thân... Hơn nữa, xin lỗi cũng là một bước tiến trong việc chữa lành cho bản thân. Nhưng giờ chị vẫn chưa đủ dũng cảm để đối diện.
Con người bên ngoài sẽ bộc lộ con người bên trong của mình. Chị Nhân trải lòng, không ít người giống mình, luôn rất cay nghiệt, tàn nhẫn với người khác. Bởi có thể họ đang chứa đựng những bất ổn bên trong mà không nhận ra hoặc không dám đối diện.
Quan tâm sức khỏe tinh thần người lao động
Tại chuyên đề "Drama" công sở do VietnamWorks tổ chức cách đây không lâu, bà Đoàn Huỳnh Vân Anh, Professional Coaching tại LC cho biết, có những nhân viên lớn tiếng, gay gắt với người khác vì có bất ổn bên trong nên thể hiện ra ngoài. Nhiều trường hợp, "người không ai chịu đựng được" đó không cố tình làm tổn thương người đối diện...
Nhìn một người, chúng ta chỉ nhìn thấy bề nổi của họ mà thường khó thấy được đằng sau. Nhiều người ở trong trạng thái chê bai, tấn công người khác, có thể do họ không tự tin hoặc rất mong manh về một điều gì đó. Từ đó, người ta khoác vỏ bọc, xây bức tường để bảo vệ mình. Theo bà Vân Anh, nhiều trường hợp "thủ phạm" đáng thương hơn đáng tránh.
Nói về những bất ổn của người lao động, anh Lê Đức Thắng, phụ trách về yếu tố con người tại một tập đoàn thực phẩm ở TPHCM chia sẻ, lâu nay các cơ quan, công sở chưa quan tâm đến sức khỏe tinh thần của nhân sự.
Khi đi làm, các công ty đòi hỏi giấy khám sức khỏe về những chỉ số đo đếm được như cân nặng, chiều cao, các bệnh về tai, mũi, họng. Còn sức khỏe tinh thần, tâm lý của người lao động đang bị bỏ trống trong khi không ít người đang vật lộn trong đó...
Theo anh Thắng, tâm lý bất ổn của người lao động cũng là một trong những yếu tố tác động đến hiệu quả công việc và kéo theo hệ quả môi trường công sở nhiều "drama", nhiều chuyện thị phi, nói xấu, ghen ghét, chơi xấu...
Anh Thắng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đã có các ý tưởng chăm sóc tinh thần với người lao động, như xây dựng phòng cho nhân viên tập gym, đấm bao cát hoặc có giờ thiền để mọi người giải tỏa áp lực, cân bằng cảm xúc.
Ngoài ra, một số nơi tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho người lao động; tổ chức các buổi gặp, giao lưu trò chuyện tĩnh lặng để người lao động chia sẻ về những khó khăn của mình với đồng nghiệp, với tập thể.
"Chữa lành" là một vấn đề được nhắc đến nhiều gần đây, là thông điệp khuyến khích mỗi người nhìn vào chính mình, vào đứa trẻ bên trong mình để cân bằng cảm xúc hơn. Không chỉ những nạn nhân bị bạo hành, tổn thương mới cần chữa lành mà những người gây tổn thương cho người khác cũng cần được quan tâm, hỗ trợ như vậy.