Nữ nhân viên mất việc sát Tết vì từ chối đến nhà sếp nấu sữa hằng ngày
(Dân trí) - Không chỉ phải đưa đón con cho sếp, nữ nhân viên hành chính còn bị sếp "nhờ" tới nhà nấu sữa hằng ngày...
Nhân viên hành chính kiêm bảo mẫu cho con sếp
Nguyễn Thanh Nga (25 tuổi) làm hành chính nhân sự tại một công ty trách nhiệm hữu hạn tại Bắc Ninh. Theo lời Thanh Nga, đây là một công ty gia đình.
Tuần đầu tiên nhận việc, ngoài công việc văn phòng, cô phải kiêm thêm việc đi đón con cho sếp, đi mua cháo, mua đồ ăn. Có hôm không kịp đón con sếp, cô bị mắng.
Tuần thứ hai, sếp giao việc mới cho Nga là sang nhà nấu sữa cho sếp vào mỗi sáng. Khi nữ nhân viên thắc mắc "đây có phải công việc của em đâu ạ", người sếp chỉ hỏi: "Thế em có làm được không?". Nga im lặng không trả lời.
Ngay chiều hôm đó, sếp nhắn tin sa thải Nga.
Khi Nga xin lương của một tuần thử việc, người này chặn tin nhắn. Nga nhắn tin đòi tiền vào nhóm chung có kế toán, sếp đã mắng cô bằng nhiều lời xúc phạm.
Nga đã đăng tải câu chuyện lên một diễn đàn dành cho người lao động trẻ có gần 1 triệu thành viên. Câu chuyện nhận về nhiều sự đồng cảm.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Nga cho biết cô có ký hợp đồng thử việc với công ty, vị trí việc làm là nhân viên phòng hành chính nhân sự. Nội dung trong hợp đồng nêu "thực hiện các công việc theo chuyên môn dưới sự giám sát của giám đốc".
Mức lương của Nga là 6,7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cô sẽ được nhận một khoản phụ cấp chuyên cần 800.000 đồng/tháng.
Nga cho rằng, những việc riêng của nhà sếp như đưa đón con đi học, nấu sữa… không phải công việc theo chuyên môn của cô.
Nhận định về sự việc của Nga, Hoàng Thanh Tuyền (27 tuổi, Hà Nội) cho biết tình trạng sếp lợi dụng nhân viên, sai làm việc cá nhân cho mình khá phổ biến tại các công ty gia đình.
"Tôi từng làm việc cho một công ty gia đình nên hiểu câu chuyện của Nga. Công ty cũ của tôi là một tòa nhà 7 tầng. Gia đình sếp sống ở 3 tầng trên. 4 tầng dưới làm văn phòng.
Nhân viên trong công ty dù ở bộ phận nào cũng bị gia đình sếp "sai vặt", khi đưa đón con sếp đi học, khi đưa bố mẹ sếp đi khám sức khỏe, khi đi chợ giúp vợ sếp. Thậm chí có hôm vợ sếp đi làm tóc quá giờ trưa, nhân viên phải lên nhà nấu ăn.
Ngày lễ Tết, toàn bộ đội ngũ nhân viên được huy động dọn dẹp văn phòng và dọn cả 3 tầng nhà sếp. Thậm chí, một số nhân viên nữ còn phải cọ toilet, gói giò, cuốn nem để nhà sếp ăn Tết, đến chiều 30 mới được nghỉ", Tuyền chia sẻ.
Người lao động được quyền từ chối làm công việc ngoài hợp đồng
Ông Hoàng Minh Thắng - Giám đốc công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Minh - nêu quan điểm: "Theo quy định, nhân viên có quyền từ chối những công việc ngoài chuyên môn. Tuy nhiên tại Việt Nam, do quan niệm truyền thống trọng tình, cả nể, nhân viên thường ngại nói lời từ chối khi cấp trên giao việc dù không đúng giao kết trong hợp đồng lao động.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng xem nhân viên như cấp dưới để sai bảo làm nhiều việc ngoài phận sự của họ".
Ông Thắng cho biết, chuyện sếp sai nhân viên làm việc cá nhân như hai trường hợp của Thanh Nga và Thanh Tuyền không hiếm gặp. Theo ông, đây là cách quản trị doanh nghiệp kiểu cũ, không còn phù hợp với ngày nay.
"Trong mô hình công ty nhỏ như công ty gia đình, sếp và nhân viên có sự gần gũi nhất định. Tuy nhiên không nên lợi dụng sự gần gũi đó để sai nhân viên làm việc cá nhân cho mình.
Thay vào đó, sếp có thể nhờ vả nhân viên giúp đỡ, hỗ trợ mình như nhờ người thân. Nếu họ đồng ý, nên thể hiện sự biết ơn với hành động giúp đỡ đó.
Ngược lại, nếu dùng quyền lực của lãnh đạo để sai bảo nhân viên, sớm hay muộn, những nhân viên đó sẽ tìm cách rời doanh nghiệp. Kể cả thu nhập tốt, không người lao động nào muốn gắn bó khi lãnh đạo không tôn trọng mình", ông Thắng nêu ý kiến.
Luật sư Hoàng Văn Liêm - Văn phòng Luật sư quốc tế L&P - nhận định: "Trường hợp nêu trên, chúng ta cần phải hiểu, phân biệt rõ ràng giữa việc của công ty và việc riêng của sếp. Chị Nga có hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động có nội dung thử việc đối với một công ty trách nhiệm hữu hạn là một pháp nhân độc lập về tư cách, tài sản với những người đứng đầu.
Cho nên chị Nga chỉ cần thực hiện đúng công việc của công ty theo thỏa thuận thử việc. Hoàn toàn không có nghĩa vụ thực hiện việc riêng của sếp như đón con của sếp, mua cháo, mua đồ ăn, nấu sữa cho sếp... Những việc riêng của sếp hoàn toàn không phải việc của công ty.
Cũng theo Khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động khi giao kết hợp đồng lao động: Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi…
Do đó, Công ty cần phải cung cấp thông tin trung thực về công việc cho chị Nga. Trường hợp không cung cấp thông tin trung thực về công việc là trái với pháp luật lao động".
Về khoản tiền lương trong một tuần thử việc của Nguyễn Thanh Nga, luật sư Hoàng Văn Liêm cho hay, căn cứ theo Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có các nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận hợp pháp với người lao động. Do đó người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận về thử việc, bao gồm việc trả lương.
Như vậy, công ty mà Nga thử việc có trách nhiệm thanh toán tiền công cho cô trong thời gian đã làm việc theo đúng thỏa thuận thử việc với công ty.
(*) Tên nhân vật đã thay đổi