Làm việc ở "công ty gia đình", nhân viên không biết nên nghe sếp hay vợ sếp

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - Thường xuyên chứng kiến vợ chồng sếp cãi nhau, bị sếp sai vặt, không biết nên nghe sếp hay nghe vợ sếp… là những câu chuyện dễ bắt gặp tại các doanh nghiệp gia đình.

Công ty gia đình, hay còn được gọi là doanh nghiệp gia đình, thời gian gần đây rơi vào "danh sách đen" của nhiều nhân sự trẻ khi tìm việc. Nhiều người sau khi có thời gian làm việc tại công ty gia đình liền có thái độ ác cảm, bài xích với mô hình doanh nghiệp nói trên.

Bị sếp sai vặt, không biết nên nghe sếp hay nghe vợ sếp

Kể lại câu chuyện của mình, bạn Thanh Nga (25 tuổi) từng có 2 tháng làm việc tại một công ty gia đình, nơi đó chồng làm giám đốc công ty, vợ làm kế toán trưởng.

Nga cho biết, hai vợ chồng giám đốc thường xuyên ra ngoài cãi nhau rồi quay trở lại văn phòng làm tiếp.

"Mỗi lần họ quay lại phòng sau khi vừa cãi nhau, không khí làm việc trở nên rất ngột ngạt, nhân viên không dám thở mạnh", Nga kể lại.

Không chỉ có thế, Nga cảm thấy cấp trên không có năng lực quản trị và tạo nên môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp. Ngoài công việc kế toán, Nga còn bị phân công cho những công việc không đúng phận sự của mình như gọi điện đặt hàng, lên lịch khám cho con của cấp trên, thiết kế...

Nhiều lần làm chân "chạy vặt" việc riêng cho sếp khiến Nga chán nản.

Làm việc ở công ty gia đình, nhân viên không biết nên nghe sếp hay vợ sếp - 1

Đãi ngộ và phúc lợi thấp đi kèm với việc thường xuyên phải làm việc chung với người nhà của sếp khiến nhiều nhân viên trẻ né tránh công ty gia đình (Ảnh: Chụp màn hình)

Cũng từng tham gia làm việc tại một công ty gia đình, anh Thanh (28 tuổi) từng dành hơn nửa năm làm vị trí tuyển dụng nhân sự cho một công ty gia đình có chồng làm giám đốc, vợ làm phó giám đốc.

Thanh cho biết, trong suốt nửa năm làm việc cho công ty cũ, anh cảm thấy chính sách và cách vận hành của công ty không hề nhất quán khi có hiện tượng "chồng một kiểu, vợ một kiểu".

Đồng thời, các chính sách từ ban lãnh đạo đưa ra rất một chiều và không có lợi cho nhân viên, tạo nhiều bất cập trong công việc.

"Họ sẽ ưu tiên giải quyết những vấn đề mà họ có thể giải quyết được theo cách của họ, còn những vấn đề của nhân viên nêu ra họ sẽ không giải quyết", anh Thanh kể lại.

Ngoài những trải nghiệm của mình, anh Thanh cũng từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp gia đình vận hành không ổn định, đưa nhiều người nhà vào công ty làm việc gây nhiều bất tiện trong quá trình công tác.

"Tôi từng chứng kiến một câu chuyện khi chồng làm giám đốc ký quyết định phê duyệt một khoản đầu tư của công ty nhưng vợ làm kế toán trưởng lại không đồng ý nên kế hoạch đã không thể triển khai. Nhân viên ở giữa rất khó xử", anh Thanh kể lại.

Những trải nghiệm tại doanh nghiệp gia đình khiến anh Thanh hình thành tâm lý "né tránh" với mô hình doanh nghiệp này. Theo anh, các ứng viên cần tìm hiểu kỹ về các mối quan hệ giữa các ban lãnh đạo trong công ty.

"Trước hết, cần tìm hiểu rõ các mối quan hệ trong công ty xem họ có phải công ty gia đình hay không. Thứ hai là xem xét đến việc chế độ lương thưởng có rõ ràng hay không", anh Thanh chia sẻ dựa trên kinh nghiệm của mình.

Yếu tố quyết định trong việc đánh giá một công ty

Theo chị Nguyễn Thái Hà, Giám đốc điều hành tại một công ty về dịch vụ tuyển dụng và đã có 8 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng và nhân sự, đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Chia sẻ với Dân trí, chị Hà cho biết bản thân đã từng nhiều lần hợp tác, làm việc cùng nhiều doanh nghiệp gia đình và hầu như đều đem đến cho chị trải nghiệm rất tốt: "Dù là doanh nghiệp gia đình nhưng họ có sự phân chia quản lý cũng như tầm nhìn rất rõ ràng", chị Hà chia sẻ.

Làm việc ở công ty gia đình, nhân viên không biết nên nghe sếp hay vợ sếp - 2

Chị Nguyễn Thái Hà đã có 8 năm hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, chị Hà cũng gặp không ít những chia sẻ từ những ứng viên có trải nghiệm không tốt với công ty gia đình.

Từ đó, chị rút ra những vấn đề các ứng viên thường gặp sẽ là: Không biết nghe lệnh ai "ông nói một kiểu, bà nói một kiểu", cảm thấy không công bằng vì cấp trên ưu ái người nhà dù năng lực của người đó không phù hợp, cấp trên quá tin người nhà và nghi ngờ nhân viên không phải người trong gia đình…

Nhưng theo chị Nguyễn Thái Hà, đây chỉ là những trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh" và không phải doanh nghiệp gia đình nào cũng diễn ra những trường hợp như thế.

"Những mặt tiêu cực ở doanh nghiệp gia đình vẫn có thể xuất hiện ở những mô hình doanh nghiệp khác. Theo tôi, thứ quyết định nơi đó có tiêu cực hay không không phải là mô hình công ty mà còn phụ thuộc vào tầm nhìn và năng lực quản trị của họ", chị Hà chia sẻ.

"Tẩy chay" công ty gia đình làm hạn chế cơ hội việc làm của mỗi người

Chị Hà cho rằng việc nhiều ứng viên có thái độ "bài trừ", né tránh các công ty gia đình là điều không nên. Thay vì chủ động né tránh doanh nghiệp gia đình, các ứng viên nên xem xét công ty dựa trên các yếu tố như: sếp trực tiếp, cơ hội thăng tiến, thu nhập, đồng nghiệp,…

"Việc nhiều ứng viên né tránh tuyệt đối việc gia nhập công ty gia đình sẽ làm hạn chế cơ hội việc làm của mỗi người và có cái nhìn tiêu cực về cuộc đời", chị Thái Hà chia sẻ.

Về phía những công ty gia đình, chị Hà đề cao việc làm tốt thương hiệu tuyển dụng, thứ xuất phát từ chính cách công ty đối xử với nhân viên hiện tại của mình.

Làm việc ở công ty gia đình, nhân viên không biết nên nghe sếp hay vợ sếp - 3

Những bất cập thường gặp trong công ty gia đình khiến nhiều nhân viên nản chí (Ảnh minh họa: Huy Hoàng)

"Nếu đối xử đủ tốt, chính các nhân viên sẽ là đại sứ lan tỏa thương hiệu công ty đi khắp nơi. Họ có thể rủ bạn bè, người thân vào công ty làm cùng, lên tiếng bảo vệ công ty trước những thông tin không chính xác", chị Hà giải thích thêm.

Kết lại, chị Nguyễn Thái Hà đánh giá: "Vận hành doanh nghiệp là một câu chuyện đau đầu nhưng có thể tóm gọn trong một câu là cần dựa trên niềm tin vào con người".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm