Nữ nhân viên công sở nhận lì xì đủ mua nửa cây vàng
(Dân trí) - Tiền lì xì trong ngày đầu năm quay trở lại công ty làm việc và đi chúc Tết, Thúy Thảo dự tính đủ mua... nửa cây vàng để dành.
Làm việc tại một văn phòng luật ở Quận 1, TPHCM, Trần Thúy Thảo (27 tuổi, quê Ninh Bình) chia sẻ, dù quê xa nhưng cô quyết tâm quay trở lại thành phố đúng ngày đầu làm việc để kịp nhận tiền lì xì năm mới. Hàng năm, đây luôn là một khoản khấm khá so với đồng lương văn phòng có phần eo hẹp của Thảo.
Thảo khoe, tiền lì xì của công ty cho mỗi nhân viên là 200 USD, rồi đến các sếp lớn sếp nhỏ, thậm chí cả Giám đốc cũ của công ty về hưu từ lâu đến chúc Tết cũng lì xì.... Riêng tại công ty, cô đã thu về gần 20 triệu đồng.
Chưa kể, đây là thời điểm Thảo đi chúc Tết, gặp gỡ các đối tác, khách hàng, mỗi cuộc gặp cũng nhận được một khoản kha khá. Tổng tiền lì xì các nơi Thảo nhận về tới hơn 30 triệu đồng.
Tiền lương chưa đến 8 triệu đồng/tháng, với Thảo, lì xì đầu năm thực sự là một khoản quan trọng, tính ra gần bằng lương... nửa năm đi làm.
"Khoản tiền này, tôi dự tính sẽ mua nửa cây vàng để dành, tránh hao hụt. Trong những ngày này, vẫn rải rác có những cuộc gặp, chúc Tết, lì xì đầu năm", cô gái trẻ tiết lộ.
Nhiều người xuýt xoa với "khoản thu" của Thảo nhưng cô gái bày tỏ, so với nhiều người, số tiền này vẫn chưa là gì. Nhiều nơi các sếp, nhất là các sếp lớn tuổi, có điều kiện rất mạnh tay lì xì nhân viên, lì xì bằng "đô", bằng vàng...
"Một người bạn học cũ của mình ngày đầu năm đi chúc Tết, tân gia nhà người quen được chủ nhà lì xì cả ngàn USD. Có đồng nghiệp nhận tiền xì lì nhiều gấp đôi mình, bao lì xì vài trăm đô không phải là hiếm", Thảo kể.
Đề cập chuyện tiền lì xì biến tướng, mang ý nghĩa tính toán, mua chuộc này kia, Thảo lắc đầu, "không lạm bàn" vì cho rằng mỗi người một hoàn cảnh, một góc nhìn.
Với cô, cô nghĩ bản thân chỉ là nhân viên văn phòng, nhiều anh em đồng nghiệp thương vì biết lương cô thấp nên lì xì "đậm" hơn chút để động viên. Hơn nữa, quanh năm cô lo hồ sơ, sổ sách, giấy tờ nhiệt tình, chu đáo nên có thể đây cũng là dịp để mọi người cảm ơn. Thảo cũng lì xì lại con cháu mọi người nhưng là "mừng tuổi lấy thảo", không đáng là bao.
Những ngày đầu năm đi làm lại, người lao động khắp nơi, đặc biệt tại các văn phòng công sở lại được dịp "mở đại hội khoe lì xì", nhiều nơi tổ chức bắt thăm trúng thưởng... Hoạt động khai xuân, khởi động này thổi thêm luồng gió tươi vui, mang lại không khí vui vẻ, tích cực đầu năm cho mọi người, để bắt đầu một năm làm việc mới.
Nhiều người lao động quê xa vẫn cố gắng về "hội tụ" để tận hưởng không khí khai xuân ấm ấp cũng như đón nhận những đồng tiền lộc.
Nhiều người chỉ nhận tiền lì xì đúng nghĩa là lì xì, tiền lộc đầu năm hoặc mừng đi mừng lại. Nhưng với không ít người, bên cạnh ý nghĩ tiền lộc lá, tiền lì xì theo cách này hay cách khác cũng là một khoản thu nhập khi thu về tiền triệu.
Chị Nguyễn Minh Đào, làm việc tại một công ty truyền thông ở Quận 3, TPHCM cho biết, công ty chị lì xì nhân viên thâm niên 1 - 3 năm 1 chỉ vàng, từ 3 năm trở lên là 2 chỉ vàng. Đây cũng là một khoản thưởng Tết nhưng công ty để lại, chi sau Tết để "chia niềm vui" ra nhiều đợt nhằm giữ chân và khích lệ tinh thần nhân viên quay trở lại làm việc sau Tết... Chưa kể, cá nhân sếp, đồng nghiệp cũng lì xì cho nhau lấy lộc.
"Có người ý định đầu năm sẽ nghỉ việc nhưng nhận lì xì rồi thì "xao xuyến", xem xét lại quyết định. Với người lao động thì đây cũng như là một khoản phúc lợi, cho thấy môi trường làm việc, tình cảm đồng nghiệp để họ gắn bó hay không", chị Đào nêu quan điểm.