TPHCM:
Nữ cửu vạn vác 5 tấn hàng mỗi đêm để nuôi cả gia đình
(Dân trí) - Dù đã 57 tuổi nhưng bà Đỗ Thị Lo vẫn miệt mài với công việc bốc vác hải sản ở chợ Bình Điền. Mỗi đêm bà bốc từ 3 - 5 tấn hàng từ các vựa để vận chuyển ra xe cho khách.
Khi thành phố chìm vào giấc ngủ cũng là lúc nhiều người bắt đầu cuộc sống mưu sinh. So với các nghề khác, nghề cửu vạn ở chợ Bình Điền (quận 8, TPHCM) khá sôi nổi và vất vả.
Công việc nặng nhọc này tưởng chừng chỉ dành cho cánh đàn ông sức dài vai rộng, nhưng ở chợ đầu mối này lực lượng cửu vạn nữ đông đúc không kém nam giới.
Có gia đình hết đời mẹ tới đời con tiếp nối nghề cửu vạn. Từ chợ này qua chợ khác, cả đời họ đi theo những bao hàng, trôi giạt theo từng mớ rau, con cá bởi nghiệp sinh nhai.
Nhắc đến "đội quân tóc dài" làm nghề cửu vạn ở chợ Bình Điền không ai không biết đến bà Đỗ Thị Lo. Bà nổi tiếng vì là người lớn tuổi nhưng có sức khỏe dẻo dai không thua kém gì thanh niên trai tráng.
Bà Lo cho biết, khoảng 20 năm trước bà từ quê lên Sài Gòn mưu sinh. Trải qua nhiều sóng gió, cuối cùng bà bén duyên với nghề bốc vác ở chợ đêm Bình Điền.
“10 giờ là mình đi rồi đó làm tới sáng, nhiều khi hên thì được 300 nghìn một ngày còn không hên thì được 100 – 200 thôi, nghề này nó vất vả lắm, nhiều khi còn bị chửi mắng nữa", bà Lo chia sẻ.
Bà Lo cho biết do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên một mình bà phải mưu sinh nuôi cả gia đình. Mỗi đồng tiền kiếm được bà dành dụm lấy tiền chữa bệnh cho chồng và hỗ trợ con cháu.
Mỗi đêm làm việc, bà phải đẩy khoảng 5 tấn hàng. “Cái nghề này nó bạc và vất vả lắm nhưng mà mình phải ráng thôi giờ già rồi đâu còn ai chịu mướn mình làm chuyện khác nữa, cô bác nào thương thì cho mình kéo vài bịch cá nhỏ kiếm vài đồng để sống qua ngày vậy thôi", bà Lo tâm sự.
Để có công cụ đẩy hàng hóa, bà Lo cùng những cửu vạn ở chợ phải thuê xe của những người chủ ở đây. Mỗi chiếc 15.000 đồng/đêm, riêng đối với những người lớn tuổi như bà Lo, phải bỏ thêm 5.000 đồng nữa để có được chiếc xe dễ đẩy.
Công việc cứ diễn ra dồn dập suốt đêm, không ngưng nghỉ. Bà đẩy xe từ vựa cá này đến các vựa cá khác để lấy và giao hàng cho khách. Mỗi lần đẩy hàng, bà được chủ vựa phát cho thẻ để tính công.
Sau khi giao hàng đến cho khách, bà sẽ nhận được tiền công từ chủ hàng. Mỗi chuyến khoảng 10.000 đồng, nhưng nếu làm mất hàng thì bà phải đền tiền.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có hàng để đẩy. Nhiều khi phải đợi cả giờ mới có người thuê đẩy hàng. Trong lúc chờ đợi, chị Lotranh thủ ngồi thở nghỉ ngơi để lấy lại sức chuẩn bị kéo những chuyến hàng sau.
Nhịn ăn, nhịn mặc, mỗi đêm bà Lo kiếm được khoảng 200.000 đồng. Nhiều chủ hàng thấy thương nên thường kêu bà kéo hàng để giúp bà kiếm được tiền nhiều hơn.
Ở thành phố hai chục năm, bà thuê nhà trọ, sống với gia đình và chăm chỉ với công việc. Bà mong sao có đủ sức khỏe để bốc vàng hàng nhằm có đủ tiền để trang trải cuộc sống, phần để dành sau này về già, đau ốm.
Làm việc vất vả hằng đêm, bà Lo vẫn luôn giữ được nụ cười trên môi để xua đi cái mệt mỏi.
"Giờ già rồi, mần nổi được khi nào nữa thì mần chứ mần không nổi chắc chị phải nghỉ chứ sao giờ, giờ già rồi sao đổi nghề khác nổi, than thân trách phận thì cũng chẳng được gì”.
Bà Lo nói xong rồi kéo chiếc xe đi về phía chiếc xe tải vừa cập chợ để tiếp tục công việc của mình giữa đêm khuya. Phận đời người phụ nữ tuổi xế chiều cứ lặp đi lặp lại suốt bao nhiêu năm qua.
Xuân Hinh - Nam Thái