Đêm trắng của những phụ nữ “cửu vạn” chợ Long Biên

Đêm Hà Nội, ánh điện soi rọi khắp không gian chợ Long Biên, đó cũng là tia sáng mưu sinh duy nhất của những phụ nữ làm nghề cửu vạn.

Mò mẫm trong đêm, vắt sức mưu sinh

11h đêm, khu chợ đêm nông sản lớn nhất Hà Thành - chợ Long Biên bước vào giờ huyên náo nhất. Ai cũng tất bật, những phụ nữ với chiếc xe kéo sắt len lỏi sau những chiếc xe chở hàng từ khắp các tỉnh đổ về, mong được có chân chở hàng.

Đêm trắng của những phụ nữ “cửu vạn” chợ Long Biên - 1

Khi thành phố chìm vào giấc nủ cũng là thời điểm làm “cửu vạn” của hàng trăm người lao động ở chợ Long Biên.
 

Tách biệt dòng người chen chúc, bên vệ đường, chị Phi (quê Hưng Yên) lại ngồi thẫn thờ trên chiếc xe kéo. Hỏi ra mới biết “Tôi bị đau lưng, nên hôm nay không chen được. Tôi ngồi một lúc đỡ đau, chờ chồng quay lại” - chị Phi tâm sự.

Đêm trắng của những phụ nữ “cửu vạn” chợ Long Biên - 2

Chị Phi ngồi thẫn thờ bên vệ đường đợi chồng.
 

Năm nay chị Phi 36 tuổi, có 2 con, một đứa năm nay học lớp 8, một đứa lớp 6. Cách đây 6 năm, chị cùng chồng rời quê lên Hà Nội, sống trọ cạnh rìa bờ sông Hồng. Cũng từ đó, cuộc sống của chị gắn liền với chiếc xe sắt chở hàng.

Chị Phi chia sẻ: “Nghề này như đi câu, thu nhập bấp bênh, mỗi chuyến chở được khoảng 10.000-20.000 đồng, cả đêm nhiều thì 300.000 - 400.000 đồng, có hôm chỉ 100.000 đồng thôi”.

Làm công việc khuân vác, chẳng ai phân biệt đàn ông, đàn bà. Với họ, điều khác biệt lớn nhất chính là những chiếc xe đẩy chất hàng có cao không, có nhiều không, đồng nghĩa với đồng tiền họ kiếm được trong đêm nhiều thêm một chút.

Đang ngồi trò chuyện, chúng tôi nghe tiếng cãi vã trong đám người chen chúc nhau chở hàng. Một người phụ nữ lời qua tiếng lại với người đàn ông. Chị Phi nói với chúng tôi: “Vừa trải qua đợt dịch dài đằng đẵng, lại bắt đầu vào thời tiết nắng nóng gay gắt, tiền thì chưa có, họ cáu gắt nhau cũng là thường tình.”

Làm nghề “cửu vạn”, chấn thương vùng lưng, xương khớp là điều không thể tránh. 6 năm làm nghề này cũng là chừng ấy năm chị Phi sống với bệnh đau lưng. Những ngày trái gió trở trời, chị chỉ có thể nằm nhà.

Nói về những lần đau ốm, chị Phi chia sẻ: “Tiền ăn còn không có nói gì đến tiền chữa bệnh, chi phí chữa bệnh ở Hà Nội quá đắt, tôi không dám vào bệnh viện mà chỉ mua vài viên thuốc giảm đau uống rồi đi làm tiếp”.

Đêm trắng của những phụ nữ “cửu vạn” chợ Long Biên - 3

Chuyến hàng đầu tiên nhận được của vợ chồng chị Phi là 12h30 đêm.
 

Hai năm trở lại đây, người lao động tự do đổ về chợ Long Biên ngày càng nhiều. Những người như chị Phi lại càng khó khăn hơn trước, bởi người thuê thì ít mà người chờ việc thì nhiều.

Khó khăn nhiều là thế, nhưng chị Phi cũng không tính đến chuyện đổi nghề: “Tôi ít học, còn khỏe thì vẫn làm. Tôi không muốn nghĩ xa hơn vì có nghĩ cũng không làm được.”

Nặng không phải ở trên vai, nặng ở trong lòng

Đến chợ Long Biên, hỏi về người phụ nữ tên Lam 41kg làm nghề cửu vạn có thằng con trai luôn đi sau “ném bùm bùm” thì cả chợ ai cũng biết.

“Đặt cho nó biệt danh “bùm bùm” là vì nó bị dở với câm, thấy cái gì cũng đòi ném. Có hôm đang đi sau xe mẹ, nó ném thùng nho hàng vận chuyển cái bộp xuống đất nát hết cả nho mẹ nó phải đền cho người ta” - bà Hoa, người bán nước lâu năm xót xa.

Đêm trắng của những phụ nữ “cửu vạn” chợ Long Biên - 4

Chị Lam và đứa con trai thứ hai ngồi đợi đến lượt kéo hàng.
 

Gặp mặt trực tiếp chị Lam sau 3 tiếng liên tục khuân vác đồ, chị ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế nhựa ở quán nước ven đường, làn da sạm đen vì trải qua sương gió, nét mặt e dè vì chẳng mấy khi trò chuyện với người lạ.

Chị Lam chia sẻ: “Tôi quê Hưng Yên, từ hơn 10 năm trước đặt chân ra Hà Nội đến giờ chỉ làm nghề khuân vác. Nói chuyện với các chị xong là tôi lại vào xem có chở được chuyến nào nữa không".

Đêm trắng của những phụ nữ “cửu vạn” chợ Long Biên - 5

Dáng vẻ và khuôn mặt hằn in cuộc đời sương gió của chị Lam.
 

Chị Lam có 4 đứa con, 2 đứa mắc bệnh về não. Đứa con trai lớn năm nay 27 tuổi là 27 năm, mỗi tối đi làm về, vợ chồng chị Lan đều phải tất tả khắp ngõ ngách trong chợ vì nghĩ “kiều gì nó cũng chui vào bãi rác nào rồi”.

Đứa con sau còn mắc thêm chứng bệnh khiếm thính, mất khả năng ngôn ngữ. Bữa cơm của gia đình chị thường là số lương thực ít ỏi được nhà hảo tâm cho, bữa ăn nào cũng cơm rau lạc muối hoặc sang hơn thì đậu phụ luộc. Sống trong căn nhà trọ vỏn vẹn 2,5m2 với giá thuê 700.000 đồng/tháng.

Bao năm trôi qua, chưa một ngày nào nỗi lo ngơi nghỉ, giờ vợ chồng chị cũng đã già, đứa con sau này, rồi không biết nương tựa vào ai mà sống. Cứ thế gánh nặng vật chất đè lên gánh nặng tinh thần, ngày này qua năm khác, không dứt ra được. Nghề khuân vác là con đường duy nhất để chị Lam kiếm sống qua ngày.

Câu chuyện về hai người phụ nữ này chỉ là số ít trong hàng trăm mảnh đời mưu sinh tại khu chợ đêm Long Biên. Cuộc sống dù còn nhiều vất vả, đôi tay phồng rộp vì kéo chở những thùng hàng nặng trăm kg, lưng tối nào về cùng nhức, nỗi lo về cơm áo gạo tiền luôn thường trực, họ cũng không dám nghĩ xa hơn cho tương lai. Họ chỉ luôn tâm niệm rằng: “Còn sức khỏe thì còn làm nghề cửu vạn”.

Theo CTV Khánh Huyền

VOV.VN