Vui buồn nghề cửu vạn ở chợ đêm Sài Gòn
(Dân trí) - Từ 22h đêm, khi nhiều người đã yên giấc thì hàng trăm cửu vạn ở chợ Bình Điền bắt đầu công việc mưu sinh. Họ làm bất kỳ công việc gì được thuê. Nghề bốc vác đem lại cho họ khoảng 300.000 đồng/đêm.
Chúng tôi có mặt tại chợ Bình Điền (quận 8, TPHCM), khu chợ đầu mối được xem như lớn nhất thành phố vào lúc 22h đêm một ngày đầu tháng 7.
Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng ngàn xe tải đang chất hàng. Cạnh đó là hình ảnh cả trăm người làm nghề cửu vạn, trẻ khỏe mình trần trụng trục đang hối hả kéo những chiếc xe chất đầy hàng vào chợ.
Tranh thủ lúc rảnh tay, vài cửu vạn ngồi bệt xuống bệ đá ngay khu vực đầy cá tôm “tiếp năng lượng” bằng hộp cơm đạm bạc.
Vừa uống một ngụm nước ngọt vừa đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, một cửu vạn vui vẻ chia sẻ: “Công việc nặng nhọc, lấy đêm làm ngày nhưng quen rồi nên gắn bó. Dù cực mà vui vì có thu nhập”.
Hỏi thăm người chủ hàng, bà này cho biết lương cửu vạn khoảng 250.000 - 300.000 đồng/người/đêm. Đây là mức lương được đánh giá cao hơn mặt bằng lương các chợ đầu mối khác.
Tuy vậy, để kiếm được mức lương trên, những người làm nghề cửu vạn cũng phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt".
Nghề này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ cần bất cẩn, các cửu vạn có thể bị chấn thương cột sống, trật chân, gãy tay. Việc bị trầy xước tay chân, cơ thể do bốc và vận chuyển hàng là điều xảy ra như cơm bữa đối với người làm nghề cửu vạn.
“Từ khi làm nghề này, chất lượng cuộc sống của tôi và gia đình nhỏ tốt hơn, tôi đi làm đêm. Sáng đi chợ về để đó, vợ nấu cơm. Trưa tôi ngủ dậy rồi ăn lấy lại sức, chiều quay quần bên gia đình, đến giờ làm, tối lại ra chợ”, anh Ngô Quốc Thông (cửu vạn tại chợ Bình Điền) chia sẻ.
Do mức lương làm cửu vạn khá cao nên không chỉ nam giới mà nhiều chị em phụ nữ cũng theo nghề này. Qua đôi bàn tay của các nữ cửu vạn, những chiếc xe đẩy chất cao các loại nông sản len lỏi khắp các ngõ ngách của chợ.
Giữa biển hàng hóa mênh mông, những dáng người nhỏ bé tất tả ngược xuôi, ướt đẫm mồ hôi, luôn miệng phải la hét để xin tránh đường.
Tại khu vực chợ cá, những thùng, sọt cá nặng vài chục ký đến vài tạ từ trên xe ầm ầm chuyển xuống. Ngoài những đôi vai trần lực lưỡng của cánh đàn ông, các nữ cửu vạn cũng nhanh chân chạy đến, ghé đôi vai gầy guộc vào nhận hàng.
“Công việc bắt đầu từ lúc 10 giờ đến sáng hôm sau, nhiều khi hên thì được tầm ba trăm ngàn còn xui thì chỉ được tầm hai trăm mấy, chủ yếu là mình kéo cá. Nếu khách mà hỏi ai đến sớm thì có việc, nó bon chen, giành giật nhau lắm”, chị Ngô Thị Qua (cửu vạn tại chợ Bình Điền) tâm sự.
Chị Qua cũng cho biết, để có thể đi làm đêm, chị phải gửi con cái cho người thân chăm sóc. Ban ngày chị về cũng chỉ kịp nhìn con một chút rồi con lại đi học. Tình cảm mẹ con cũng phai nhạt ít nhiều vì chị không có thời gian ở bên con nhiều.
Ngoài chị Qua, một số chị, em khác đều công nhận nghề này đối với nam đã khó một thì đối với phận chân yếu tay mềm thì còn vất vả hơn nhiều lần. Tuy nhiên, vì mưu sinh các chị đều phải cố gắng để chăm lo cho gia đình, con cái.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, lượng khách mua bán ở chợ Bình Điền giảm khiến thu nhập các cửu vạn cũng giảm theo. Nhiều người một đêm chỉ được 1, 2 người thuê bốc hàng với thu nhập chỉ vài chục ngàn đồng.
Xuân Hinh