Nộp hồ sơ đại học, lấy gì xét tuyển cao đẳng?
Đến thời điểm này các trường caođẳng, trung cấp vẫn chưa biết có được chia sẻ cơ sở dữ liệu từ BộGD&ĐT hay không để tính toán phương án xét tuyển.
Đại diện các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) kêu rằng còn nhiều vướng mắc như cơ sở dữ liệu xét tuyển, giấy chứng nhận kết quả thi THPT… phải được tháo gỡ, nếu không các trường này sẽ rơi vào tình cảnh bết bát trong tuyển sinh. Ngay cả thí sinh cũng lúng túng khi nộp hồ sơ xét tuyển.
Lo vì chỉ có một giấy chứng nhận
Đây là lo lắng lớn nhất của các thí sinh có nguyện vọng vào học các trường CĐ. Tạ Bích Thảo, học sinh lớp 12 tại Nam Đàn, Nghệ An, băn khoăn: “Em muốn ghi danh mình vào một trường ĐH, tuy nhiên anh trai em ở Nhật Bản muốn em đi học nghề để sang đó làm việc cùng. Nhưng theo quy định, thí sinh đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển ĐH không được rút ra. Trong trường hợp này em không có loại giấy tờ nào để nộp xét tuyển vào trường CĐ, ngoại trừ học bạ. Nếu điểm tích lũy học bạ thấp hơn điểm thi thì em xoay xở như thế nào, có được rút giấy chứng nhận kết quả thi THPT hay giấy xác nhận kết quả do trường mình học cung cấp để đi xét tuyển?”.
Ông Bùi Văn Hưng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ nghệ 2, cho rằng đến thời điểm này các trường CĐ, TC vẫn chưa biết có được chia sẻ cơ sở dữ liệu từ Bộ GD&ĐT hay không để tính toán phương án xét tuyển phù hợp với tình hình thực tế. Theo ông Hưng, nếu dữ liệu này chỉ các trường ĐH tham gia xét tuyển tiếp cận, sẽ bất công cho các trường CĐ, TC.
Theo hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM, việc chia sẻ cơ sở dữ liệu không chỉ để phục vụ công tác tuyển sinh, đánh giá chất lượng đầu vào mà quan trọng hơn còn tạo ra sự liên thông, thống nhất trong hệ thống đào tạo thay vì tâm lý phân khúc ĐH và trường nghề như lâu nay.
ĐH phình to, CĐ cạn nguồn
Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho rằng năm ngoái các trường CĐ vẫn được sử dụng cơ sở dữ liệu do các trường ĐH và các sở GD&ĐT chủ trì nên rất thuận lợi tính toán phân khúc thí sinh. Các trường CĐ có dữ liệu để so sánh điểm thi của thí sinh, thay vì dựa trên giấy chứng nhận kết quả thi.
Qua đó sẽ giảm được tình trạng ảo và hạn chế sai sót khi nhận hồ sơ xét tuyển, đảm bảo chất lượng đầu vào. Năm nay thí sinh chỉ nộp hồ sơ một lần, đồng nghĩa các trường CĐ chỉ còn có thể nhận học bạ để xét tuyển, thay vì nhận giấy chứng nhận kết quả thi như các trường ĐH.
Theo ông Hải, năm nay nguồn tuyển đối với các trường CĐ, TC sẽ khan hiếm do chỉ tiêu tuyển sinh ĐH gần bằng với số học sinh tốt nghiệp THPT. Ông Hải dẫn chứng hiện có trường ĐH tại TP.HCM đào tạo đa ngành với hơn 7.000 chỉ tiêu/năm. Như vậy, quy mô trường này luôn luôn đạt khoảng 30.000 sinh viên.
Một con số khổng lồ so với các trường danh tiếng trên thế giới trong khi chất lượng đào tạo ngang học nghề vì mức độ nghiên cứu chuyên sâu không đủ đáp ứng. Cộng thêm chênh lệch để vào ĐH và CĐ mỗi môn chỉ nửa điểm nên có thể hiểu các trường CĐ sẽ ít có cơ hội hơn.
Hai bộ đang bàn bạc. Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH: cho biết quy chế tuyển sinh của Bộ dự kiến cuối tháng này sẽ được công bố và sẽ không có nhiều thay đổi so với dự thảo trước đó.
Đáng lưu ý, năm nay hệ CĐ không sử dụng điểm sàn để xét tuyển. Về việc chia sẻ cơ sở dữ liệu xét tuyển với Bộ GD&ĐT, ông Minh khẳng định vấn đề này đang được hai bộ bàn bạc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần giải quyết như cách thức, hình thức chia sẻ như thế nào cho hiệu quả. Sau khi có kết quả thống nhất, hai bên sẽ công bố chính thức.
Ông NGUYỄN NGỌC TIẾN, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật TP.HCM: Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa ban hành quy chế tuyển sinh đối với các trường CĐ, TC nên chưa thể đánh giá toàn cảnh. Qua tìm hiểu tôi được biết nhiều trường ĐH có đào tạo bậc CĐ đã âm thầm cắt giảm hệ này, đồng thời tăng chỉ tiêu bậc ĐH để thoát tình cảnh “một cổ hai tròng”. Điều này đồng nghĩa khó khăn sẽ dồn cho các trường CĐ, TC.
Theo Phong Điền/Báo PL TPHCM