Hà Tĩnh:
Nông dân kiếm hàng chục triệu đồng từ con mọc thứ "đại bổ" trên đầu
(Dân trí) - Cuối tháng Giêng và đầu tháng 2 (Âm lịch), người nuôi hươu ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) bắt đầu vào vụ thu hoạch. Mỗi cặp "lộc" có thể mang lại cho họ từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Từ lâu, huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã được coi là "thủ phủ" nuôi hươu sao của cả nước. Từ thế kỷ 18, người dân nơi đây đã thuần hóa được hươu sao để nuôi lấy lộc. Hươu sao đã trở thành một trong những vật nuôi chủ lực, giúp người dân phát triển kinh tế.
Là loài động vật ăn cỏ bán hoang dã nên sức đề kháng của hươu sao rất cao và ít bệnh tật. Thức ăn chủ yếu của hươu là các loại lá, quả, trái cây, cỏ sẵn có trong vườn, rừng, rất dễ kiếm nên chi phí nuôi thấp.
Gia đình ông Bùi Kim Thắng (Thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn) đã nuôi hươu gần 30 năm nay. Hiện tổng đàn hươu của ông có 12 con. Hàng năm, nếu thuận lợi sẽ mang lại thu nhập cho gia đình ông từ 80-100 triệu đồng.
"Thời điểm hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị cắt nhung để bán cho khách. Nhung mùa này được giá, không cần bán cho thương lái mà thường có khách trực tiếp tới mua với giá 12 triệu đồng/kg. Nếu cắt hết 3 cặp nhung hươu, dịp này gia đình tôi có thể thu về gần 50 triệu đồng", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, trước kia, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ lấy được một lứa nhung, nhưng giờ đây họ đã có cách chăm sóc hươu để thu mỗi năm 2 lứa, với mỗi cặp bình quân 0,8-1kg, cá biệt hươu khỏe có thể cho "lộc" nặng đến 2kg.
Vừa cắt cặp nhung đầu mùa bán cho khách, bà Phan Thị Hương (xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn) phấn khởi nói: "Nhung hươu mùa này dễ bán lắm, có bao nhiêu họ cũng mua hết. Giá thì nhiều loại và theo chất lượng nhung. Thông thường, những cặp nhung đẹp, trọng lượng lớn sẽ có giá cao hơn".
"Nuôi hươu mang lại kinh tế cao hơn nhiều lần so với trâu, bò. Một con bò nái có thể tiêu thụ lượng thức ăn bằng 5 con hươu. Một người khỏe mạnh kiếm nguồn thức ăn cho 2 con bò nái là vất vả nhưng chăm 7-8 con hươu là bình thường. Trong khi đó, hươu cho thu hoạch nhung 2 lần/năm", bà Hương phân tích thêm về hiệu quả nuôi hươu so với các loại gia súc khác.
Ngoài nuôi hươu lấy nhung, theo người dân Hương Sơn, việc kết hợp nuôi hươu nái cũng tạo thêm nguồn thu nhập khá lớn. Mỗi năm, hươu cái sinh sản một lần, nếu sinh con đực sẽ bán giống với giá từ 15-25 triệu đồng/con, còn hươu cái thì 8-10 triệu đồng/con. Như vậy, mỗi cặp hươu bố mẹ có thể cho thu nhập từ 20-50 triệu/năm nên nghề nuôi hươu mang lại giá trị kinh tế rất cao.
Theo ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn - toàn huyện hiện có hơn 36.000 con hươu. Dự kiến năm nay, khoảng 7.000 con hươu cho thu hoạch nhung với sản lượng đạt khoảng trên 15 tấn. Với mức giá bình quân 12 triệu đồng/kg, người nuôi hươu trong huyện có thể thu về khoảng 180 tỷ đồng.
Nhung hươu hay còn gọi là lộc nhung chính là sừng non của con hươu đực. Thông thường, vào mùa xuân, con hươu sẽ mọc sừng và mùa hè sẽ rụng đi. Đến mùa xuân năm sau sẽ lại mọc thêm sừng mới.
Sừng mới mọc thường rất mềm, mặt ngoài phủ đầy lông, bên trong chứa nhiều mạch máu, mô sụn, sờ vào êm mịn như nhung nên được gọi là nhung hươu.
Nhung hươu cũng được coi là một trong "tứ đại danh dược" trong y học cổ truyền, đó là "Sâm, Nhung, Quế, Phụ", tức là: Nhân sâm, nhung hươu, nhục quế, phụ tử là rễ ô quy đầu. Nhung hươu có thể sử dụng ngâm rượu, thái lát ngâm mật ong hay xay bột mịn để sử dụng hàng ngày. Còn xương hươu có thể nấu cao, thịt làm thực phẩm...