Bình Định:

Nông dân đất võ mê sáng chế

Doãn Công

(Dân trí) - Nhiều nông dân ở Bình Định chẳng qua trường lớp nào nhưng đã tự mày mò, nghiên cứu, sáng chế ra những chiếc máy hữu ích được nhân rộng trong thực tế lao động sản xuất của nhà nông.

Hội thi sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2022 ghi nhận 11 giải pháp có tính mới mẻ, sáng tạo, khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Đặc biệt, những sáng chế này đều xuất phát từ thực tế sản xuất. Những "kỹ sư chân đất" đã tìm tòi, nghiên cứu để sáng tạo, cải tiến ra nhiều chiếc máy hữu ích góp phần tăng năng suất, giảm nhân công.

Nông dân đất võ mê sáng chế - 1

Anh Trần Quốc Thông với giải pháp cải tiến vị trí lắp đặt điện trở đun nước máy bánh tráng, đoạt giải nhất hội thi sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2022 (Ảnh: Minh Khoa).

Điển hình là giải pháp "cải tiến vị trí lắp đặt điện trở đun nước máy bánh tráng" của anh Trần Quốc Thông (42 tuổi, ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) vừa đoạt giải nhất.

Anh Thông chia sẻ, trong quá trình sản xuất các loại bánh tráng của gia đình, anh thấy bánh hay bị cong vênh, chín không đều, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, khách hàng phàn nàn.

Từ đó, anh Thông mới quan sát hoạt động của chiếc máy, quyết tìm ra "căn bệnh" để khắc phục. Anh Thông cho rằng do điện trở đun nước trong lò hơi máy tráng bánh thường đặt một chỗ nên bánh chín không đều.

Nông dân đất võ mê sáng chế - 2

Sau cải tiến điện trở, mô tơ điều tốc, bánh tráng của gia đình anh Thông đạt chất lượng rất cao (Ảnh: Minh Khoa).

Sau khi đã tìm ra nguyên nhân, anh Thông đã tự mày mò, nghiên cứu, đưa ra ý tưởng. Thay vì 6 điện trở đặt dồn lại một chỗ, anh cải tạo tăng lên 9 điện trở, rải đều trên 9 thanh đồng.

"Tôi vừa cải tiến các điện trở vừa điều chỉnh mô tơ điều tốc nhanh hoặc chậm, tùy thuộc vào thời gian, để cho bánh chín. Nhờ cải tiến này, năng suất làm việc của người lao động nâng lên gấp 5 lần, bánh tráng làm ra chín đều, không bị cong vênh", anh Thông chia sẻ.

Nông dân đất võ mê sáng chế - 3

Ông Trần Quốc Thông đoạt giải nhất ở lĩnh vực sáng tạo nhà nông và vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Trong khi đó, giải pháp "Cải tiến máy trỉa đậu phộng (lạc) một hàng thành 2 hàng" của nông dân Huỳnh Tiển (68 tuổi, ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát) đoạt giải nhì hội thi. Giải pháp  giúp giảm chi phí, giảm nhân công trong khâu trỉa đậu phộng tại địa phương.

Vốn sống tại địa phương phát triển mạnh các loại cây trồng cạn như bắp (ngô) đậu phộng, hành, nhiều năm qua, ông Tiển đã tự mày mò, chế tạo nhiều máy móc phục vụ sản xuất như máy cày cải tiến, máy gieo đậu phộng tự chế, máy lên luống.

Theo ông Tiển, từ máy trỉa đậu phộng một hàng kém hiệu quả của Trung Quốc, ông cải tiến thành máy trỉa đậu phộng 2 hàng, tiện ích cho bà con nông dân.

Máy được cải tiến gọn nhẹ, bà con làm lâu không bị đau lưng, giảm sức lực cho người lao động. Đặc biệt, máy giúp tiết kiệm thời gian, giá thành rẻ, năng suất gấp 5 lần một người làm thủ công trong cùng thời gian.

"Từ thực tế, tôi tự tìm tòi, sáng chế ra chiếc máy để phục vụ việc sản xuất của gia đình. Sau đó, thấy chiếc máy dùng hiệu quả nên nhiều người dân trong, ngoài địa phương đặt mua. Hiện tôi đã bán được gần 20 máy trỉa đậu phộng 2 hàng cho người dân địa phương, với giá khoảng 5 triệu đồng/chiếc", ông Tiển nói.

Ông Tiển cũng cho biết, bản thân không học qua lớp kỹ thuật nào nhưng từ nhỏ đã đam mê máy móc. Gia đình có dùng máy cày, máy bơm nước, nếu hư, ông đều tự mày mò để sửa.

Nông dân đất võ mê sáng chế - 4

Nông dân Huỳnh Tiển được biết đến với nhiều sáng tạo hữu ích giúp người nông dân (Ảnh: Minh Khoa).

Còn anh Phan Trọng Hà (29 tuổi, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) đã chế tạo máy tuốt đậu phộng loại nhỏ để giúp nông dân trong vụ mùa thu hoạch.

Sáng kiến của anh Hà đã được chuyển giao rộng rãi cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Giá thành sản phẩm 4 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn các thiết bị cùng loại khác trên thị trường mà hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí thuê mướn lao động phổ thông.

Bà Lê Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định cho hay, qua mỗi lần tổ chức hội thi, rất nhiều sáng tạo, cải tiến kỹ thuật mới đã ra đời và áp dụng rộng rãi vào sản xuất; góp phần thúc đẩy việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các quy trình, giải pháp công nghệ mới vào sản xuất.

Các sáng tạo, cải tiến kỹ thuật giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp.