1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nóng: Chính thức chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020!

(Dân trí) - Chiều nay 11/7, Hội đồng Tiền lương quốc gia tiếp tục họp để bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Sau hơn 3 giờ làm việc, Hội đồng tiền lương quốc gia chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức 5,5% so với năm 2019.

Nóng: Chính thức chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020! - 1

Quang cảnh cuộc họp.

Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng tiền  lương quốc gia cho biết, trong thời gian vừa qua Hội đồng tiền lương quốc gia đã nhận được đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về các phương án nâng lương tối thiểu năm vùng 2020.

Trong đó đã đề cập đến nhiều yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là Việt Nam cũng đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn khi gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA),...

Nóng: Chính thức chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020! - 2

Ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng tiên lương quốc gia phát biểu khai mạc.

"Những vấn đề trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong năm 2020 hay trong tương lai thì chưa xác định được. Chính vì vậy, tuy các lý do mà VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã đề cập đến cũng rất đáng để cân nhắc nhưng cũng cần nhấn mạnh là chúng ta đang bàn đến mức tiền lương tối thiểu trong năm 2020 chứ không phải là bàn về các vấn đề sẽ tác động đến doanh nghiệp" - ông Diệp đánh giá.

Cũng theo ông Diệp, trong thời gian vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng được Chính phủ giao trả lời các kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị không nâng lương tối thiểu hoặc không dùng tiền lương tối thiểu để tính lương và các thu nhập khác. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với trách nhiệm của mình đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cho rằng kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam chưa phù hợp.

"Mức lương tối thiểu cũng là mức lương đã được các bên cân đối nhiều mặt và mức lương đó sẽ được áp dụng chung cho mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp chứ không hẳn chỉ áp dụng cho riêng ngành dệt may. Việc kiến nghị không nâng lương tối thiểu riêng cho ngành dệt may sẽ ảnh hưởng đến các ngành nghề khác đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang muốn đổi mới nguồn lực tăng trưởng, muốn chuyển sang các ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn" - ông Diệp cho biết.

Trước đó, tại phiên họp đầu tiên để bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia diễn ra hồi tháng 6 năm nay, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 của các bên vẫn ở mức cách xa nhau.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng cao nhất 8,18%, trong khi phía đại diện người sử dụng lao động Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) chỉ đề xuất tăng dưới 3%.

Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, tăng bình quân 8,18%, tức là tăng từ 180.000 đồng - 380.000 đồng. Phương án 2, tăng bình quân 7,06%, tức là tăng từ 160.000 đồng - 330.000 đồng, theo từng vùng.

Cũng tại phiên họp đầu tiên, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, căn cứ kết quả tính toán cho thấy mức lương tối thiểu năm 2019 đã bảo đảm 95% mức sống tối thiểu của người lao động. Căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW, đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2020 bình quân các vùng là khoảng 5,2%.

Về phía VCCI, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, cho biết, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương tối thiểu 2019 tăng thêm tới trên 6 % so với mức của năm 2018. Trong khi, mức lương tối thiểu 2019 được Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng chỉ là 5,3%. Vậy vấn đề là tăng tiền lương tối thiểu chỉ tác động vào các chi phí khác của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh, “sức khoẻ” của doanh nghiệp.

Nóng: Chính thức chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020! - 3

Ông Hoàng Quang Phòng tại cuộc họp chiều 11/7.

Đề cập tới mức đề xuất tăng lương tối thiểu trước vòng đàm phán lần 2, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, đại diện phía người sử dụng sẽ nghiên cứu đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và diễn biến của phiên đàm phán để có những điều chỉnh hợp lý.

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay đang được áp dụng theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP. Cụ thể, từ ngày 1/1/2019, tiền lương tối thiểu vùng đã tăng thêm từ 160.000 đồng - 200.000 đồng trên 4 vùng lương so với năm 2018.

Cụ thể: Mức lương tối thiểu vùng 1 là 4.180.000 đồng (tăng thêm 200.000 đồng so với mức của năm 2018). Mức lương tối thiểu vùng 2 là 3.710.000 đồng (tăng thêm 180.000 đồng so với mức của năm 2018). Mức lương tối thiểu vùng 3 là 3.250.000 đồng (tăng thêm 160.000 đồng so với mức của năm 2018).

Bên lề cuộc họp chiều nay, 11/7, trao đổi với phóng viên báo chí về diễn biến phiên họp, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết: "Tôi thấy phiên họp chiều nay tinh thần các bên hiểu nhau hơn, và hầu như các bên đều có trách nhiệm chung và nhận thức rất lớn về tiền lương tối thiểu. Các bên đều hiểu, tăng lương tối thiểu sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp, nhưng tăng lương tối thiểu cũng là động lực cho người lao động cống hiến với doanh nghiệp hơn".

Nóng: Chính thức chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020! - 4

Ông Lê Đình Quảng trao đổi với phóng viên báo chí.

Cũng theo ông Quảng, các bên đều quyết tâm thực hiện theo Nghị quyết 27 (Đề án cải cách chính sách tiền lương - pv) là tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Ông Quảng hi vọng mức tăng lương tối thiểu là từ 5,6% đến 6,5% là mức các bên có thể bỏ phiếu được trong chiều nay, 11/7.

Cũng bên lề cuộc họp trên, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi sẽ điều chỉnh một cách phù hợp. Nhưng như đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là không ổn. Cho nên chúng tôi cần có sự thương lượng thêm để đảm bảo 2 bên hiểu nhau và chốt được".

Hoang Quang Phong

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam nói "Nếu tăng 1% lương tối thiểu thì mức chi phi của doanh nghiệp là trên dưới 10%....".

Ông Phòng cho biết, hai bên cần thương lượng thêm về khoảng cách đề xuất vì liên quan đến mức sống tối thiểu của người lao động và năng lực chi trả, các điều kiện cạnh tranh của doanh nghiệp. VCCI đang đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 1-2%. Tuy nhiên, theo ông Phòng, nếu có thể VCCI sẽ đề xuất tăng thêm cho phù hợp. 

"Chúng tôi thấy để trên 2% là phù hợp, vì nếu tăng 1% lương tối thiểu thì mức chi phi của doanh nghiệp là trên dưới 10%. Do đó, đây là vấn đề chúng tôi "lăn tăn". Năng lực cạnh tranh năm 2018 do Diễn đàn kinh tế thế giới xếp thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đang tụt 4 bậc, từ 74 lên 77. Chúng ta đang hội nhập, độ mở nên kinh tế rất cao, chúng ta cũng cần nâng cao năng lực canh tranh cho doanh nghiệp để chúng ta trụ lại được trên sân nhà. Nếu không tính kỹ vấn đề này thì nền kinh tế và người lao động sẽ thua thiệt", ông Phòng cho biết.

Nóng: Chính thức chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020! - 6

Cuối cùng, đúng 17h ngày 11/7, sau khi kết thúc hơn 3 tiếng họp kín, ông Doãn Mậu Diệp thông tin kết quả thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 cho báo chí.

Ông Doãn Mậu Diệp cho biết: Cuộc họp chiều nay đạt được kết quả tích cực, với sự thương lượng thiện chí của các bên. Tuy nhiên, theo ông Diệp, tại mỗi phiên họp về tiền lương quốc gia thì quan điểm của các bên khá khác nhau vào thời điểm ban đầu.

Thông thường Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bao giờ cũng mong muốn cải thiện tốt hơn cho đời sống của người lao động, vì thế các phương án đề xuất tăng tiền lương là “khá lạc quan”. Nhưng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp không phải là không mong muốn cải thiện đời sống, thu nhập của người lao động, nhưng ngoài mong muốn cải thiện đời sống của người lao động họ còn phải tiếp tục phải nâng cao năng lực cạnh tranh để có điều kiện tích lũy để đầu tư, mở rộng sản xuất.

“Phương án ban đầu trước khi thảo luận để trước khi chốt được, Tổng liên đoàn lao động đưa ra là 6,7%. Còn phía VCCI, cũng như những người sử dụng lao động thì có đề xuất khoảng 4%. Tức là 2 đề xuất này đã thu hẹp rất nhiều so với phiên họp đầu tiên, nhưng vẫn có khoảng cách chênh lệch về phương án giữa 2 bên. Sau một thời gian thương lượng rất thiện chí giữa các bên, phương án được chốt là đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức 5,5%" - ông Diệp thông tin cho báo chí.

Nguyễn Dương