Nợ 5.300 tỉ đồng đóng BHXH từ 103.000 doanh nghiệp
(Dân trí) - “Tình hình nợ đóng BHXH năm 2015 đã giảm so với năm 2014. Nhưng vẫn cần nhiều giải pháp để xử lý triệt để tình trạng hơn 103.000 doanh nghiệp nợ BHXH với 5.300 tỉ đồng. Trong đó, hàng trăm doanh nghiệp có mức nợ từ vài trăm triệu tới hàng chục tỉ đồng”.
Ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội VN) trao đổi với PV Dân trí về tình hình thu nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2015.
Thưa ông, số nợ BHXH năm 2015 có gì thay đổi so với năm 2014? Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng BHXH này?
Số nợ BHXH năm 2015 là 7.567 tỉ đồng, trong đó 103.000 doanh nghiệp nợ 5.300 tỉ đồng. Các doanh nghiệp này đang sử dụng khoảng 2,7 triệu lao động.
Trong 7.567 tỉ đồng nợ trên, tính riêng số nợ BHXH là 5.692 tỉ đồng, BHYT là 1.560 tỉ đồng, BHTN là 315 tỉ đồng. So với năm 2014, số nợ BHXH năm 2015 đã giảm hơn 1.400 tỉ đồng.
Về khách quan, năm 2015, nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu bộ máy, bố trí việc làm và dành nhiều khoản tiền để đầu tư máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn cố tình lạm dụng. Khi lãi suất tiền phạt chậm đóng BHXH thấp, doanh nghiệp đã tạm thời giữ lại để kinh doanh.
Mặt khác, Luật BHXH năm 2014 tới 1/1/2016 mới có hiệu lực, các chế tài đủ mạnh chỉ bắt đầu được áp dụng trong năm 2016.
Về chủ quan, ngành BHXH còn thiếu nhân lực trong việc kiểm tra, thanh tra. Toàn ngành chỉ có 4.000 cán bộ trực tiếp làm công tác thu. Trong khi đó, khối lượng thu BHYT tới 70 triệu người, khối lượng thu BHXH tới hơn 200.000 tỉ đồng của trên 400.000 đơn vị…
Các biểu hiện trốn đóng BHXH ra sao, thưa ông?
Có 2 hình thức chủ yếu. Một phần là ở các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH và việc đóng BHXH ở mức lương thấp trong khi đáng ra phải thực hiện đóng ở mức lương cao hơn.
Mặt khác, doanh nghiệp còn thực hiện việc lách luật, chuyển hợp đồng lao động xuống dưới 3 tháng để tránh phải đóng BHXH cho người lao động.
Chính vì vậy, khi có những quy định mới về cách tính BHXH theo lương và phụ cấp mới từ 1/1/2016 hy vọng sẽ phần nào hạn chế tình trạng này.
Theo khảo sát của ngành LĐ-TB&XH có khoảng 16-17 triệu người có giao kết hợp đồng lao động và phải đóng BHXH. Nhưng BHXH VN chỉ quản lý được 12 triệu lao động. Như vậy còn tới 4 triệu người lao động cần phải thu.
Việc triển khai quá trình khởi kiện các đơn vị trốn đóng BHXH thời gian qua ra sao? Đặc biệt với những doanh nghiệp có vốn FDI thưa ông?
Khi BHXH VN khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH: Khoảng 30 % doanh nghiệp đã thực hiện ngay việc đóng BHXH, khoảng 40% doanh nghiệp chấp nhận để tòa án phải thụ lý vụ án. Còn lại 30% doanh nghiệp gặp phải tình trạng rất khó khăn, như phá sản, giải thể hoặc chờ giải thể. Chúng tôi cũng khởi kiện ra tòa. Nhưng khi xử xong thì doanh nghiệp không có tài sản gì để trả nợ.
Khi thanh lý tài sản của doanh nghiệp theo quyết định của tòa án, phần nợ đóng BHXH của doanh nghiệp chưa được ưu tiên giải quyết. Nên việc DN giải thể, khởi kiện gần như không có hiệu quả. Trong khi đó, quyền được bảo đảm đóng BHXH cũng rất quan trọng với người lao động.
Đối với các doanh doanh nghiệp có vốn FDI, BHXH VN đang phải xử lý khoảng 170 trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, chủ yếu là các doanh nghiệp gốc Đài Loan và Trung Quốc.
Do cơ chế thông thoáng nên các doanh nghiệp trên chủ đều đều đi thuê: Thuê lao động, thuê vốn và thuê máy móc, nha xưởng. Bởi vậy, khi họ rút đi rất khó còn gì để trang trải các khoản nợ.
Hệ lụy của việc này khiến hơn 6.000 lao động trong các nghiệp trên bị ảnh hưởng. BHXH đang xin Thủ tướng cơ chế làm sao đảm bảo quyền lợi cho họ. Nhưng đang vướng bởi nguyên tắc của BHXH là có đóng - có hưởng, đóng đến đâu ký đến đó.
Được biết luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 cho phép BHXH VN thêm chức năng thanh tra và xử phạt các hành vi vi phạm BHXH. Vậy công tác chuẩn bị của BHXH VN ra sao, thưa ông?
Năm 2015, các ban chuyên môn của BHXH VN và Thanh tra Chính phủ đã tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ thanh tra cho hơn 1.000 cán bộ trong ngành BHXH. Năm 2016 -2018, công tác dự kiến triển khai tiếp với 3.000 cán bộ ngành BHXH làm công tác thu, kiểm tra.
Theo quy định, ngành BHXH có 3 cấp được phép ra quyết định xử phạt là: Tổng giám đốc, trưởng đoàn thanh tra do Tổng giám đốc thành lập, Giám đốc BHXH tỉnh hoặc thành phố.
Mức xử phạt tối đa 75 triệu đồng/hành vi và yêu cầu đơn vị bị xử phạt phải khắc phục hậu quả. Nếu doanh nghiệp không chấp hành, BHXH VN có quyền chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử phạt.
Cả nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên mới có hơn 200.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Vậy trong năm 2016, BHXH VN sẽ có những giải pháp gì để tăng cường công tác thu BHXH tới số doanh nghiệp còn lại?
Năm 2016, BHXH VN tiếp tục rà soát tới các doanh nghiệp dựa trên hệ thống dữ liệu do ngành thuế cung cấp. Mặc dù có 600.000 doanh nghiệp nhưng hoạt động thực chất không nhiều.
Đa số các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH thuộc quy mô nhỏ và dịch vụ, như: Công ty mô hình gia đình, công ty tư nhân có 3-6 lao động. Có công ty lại tuyển dụng lao động đã về hưu, lao động thời vụ. Thậm chí, người lao động của nhiều công ty loại trên có thể cùng lúc làm việc tại 2,3 nơi.
Về địa điểm, nhiều doanh nghiệp chủ yếu thuê văn phòng và nhà xưởng, thuê địa điểm rất nhiều chỗ. Nên vừa qua chúng tôi phối hợp với cơ quan thuế rất khó khăn để tìm các doanh nghiệp trên.
Tới đây, BHXH VN sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế với cơ quan thuế. Theo đó: DN phải kê khai đóng BHXH trước, mặc dù lao động không phải diện đóng BHXH bắt buộc vẫn phải xác nhận giữa ngành BHXH và ngành thuế. Như vậy mới quản lý được số DN ngoài quốc doanh, chủ yếu DN vừa và nhỏ.
Xin cảm ơn ông.
Hoàng Mạnh thực hiện
TIN VẮN:
Từ 1/1: Người lao động đi lao động nước ngoài đóng BHXH ở mức 22 % của 2 lần tiền lương cơ sở
Đây là thông tin do bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với báo giới về mức đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo quy định của NĐ 115/2015/NĐ-CP.
Giải thích thêm về sự chênh lệch giữa mức, bà Trần Thị Thúy Nga cho rằng: “Nếu người lao động làm việc trong nước, họ được tham gia vào quan hệ lao động. Khi đó người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng BHXH. Khi tham gia xuất khẩu lao động, người lao động được nhận tiền lương và đóng BHXH bắt buộc cũng là tiền để dành của họ cho tương lai”. Theo Vụ Bảo hiểm xã hội, Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 đã đưa ra quy định người lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ tham gia hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do đó, các chế độ BHXH bắt buộc thực hiện ở trong nước và ngoài nước sẽ bổ sung cho nhau. Trong ngắn hạn người lao động sẽ hưởng ở nước sở tại và dài hạn thì sẽ hưởng ở VN.
H.M
Công bố chính thức về mức lương và phụ cấp đóng BHXH năm 2016
Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, Thông tư 59/2015/ TT-BLĐTBXH nêu rõ: Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ LĐ-TB&XH dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (sau đây được viết là Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH). Về phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
V.M
BHYT hộ gia đình: Mức phí của người thứ 3 chỉ 31.000 đồng
Trao đổi với báo giới tại Hội thảo do BHXH VN tổ chức cuối tháng 12/2015, ông Vũ Xuân Bằng - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) - cho rằng, nếu gia đình có 3 người mua BHYT theo diện hộ gia đình, mức đóng cả năm lên tới hơn 1 triệu đồng. “Nhưng nếu tính theo tháng, mức đóng cho người thứ 3 được giảm trừ còn 60 % so với người thứ nhất: Khoảng 31.000 đồng/người - ngang với tiền mua 1 bát phở” - ông Vũ Xuân Bằng nói.
Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình được thực hiện từ năm 2016. Theo đó, ngày 1/1/2016, Luật BHYT quy định những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải tham gia BHYT theo diện hộ gia đình, nếu chưa tham gia BHYT theo loại hình nào. Thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, cả nước có hơn 9 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Số lượng đối tượng người chưa tham gia BHYT còn khoảng 16 triệu người.
P.N