Ninh Bình: Kiếm tiền nhờ đưa ong đi lấy mật hoa sú vẹt
(Dân trí) - Xã Kim Đông là khu vực có rừng ngập mặn lớn và duy nhất ở Ninh Bình. Đến mùa hoa sú vẹt nở, nhiều người dân tại đây có cơ hội tăng thêm thu nhập nhờ nguồn mật ong rừng quý giá này.
Mùa hoa sú vẹt nở cũng là lúc thợ nuôi ong đổ về xã Kim Đông (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) ngày một nhiều. Có đến cả ngàn thùng nuôi ong từ các nơi được vận chuyển đến và xếp ngay ngắn bên cánh rừng ngập mặn.
Anh Nguyễn Hùng Ái (42 tuổi), quê thành phố Tam Điệp, Ninh Bình cho biết, nghề đưa ong đi tìm mật dù có thu nhập cao nhưng vất vả hơn nhiều nghề khác. “Cả năm rong ruổi trên những con đường, những vùng đất mới. Cứ nơi nào có nhiều hoa nở là phải đưa ong đến hút mật”, anh Ái chia sẻ.
Anh Ái là người đã có hơn 20 năm trong nghề đưa ong đi tìm mật. Mùa nào, nơi nào có nhiều hoa anh nắm rõ như lòng bàn tay. “Mùa hè thì lấy mật ở miền Bắc, mùa đông đưa vào Nam. Làm nghề nuôi ong mà không đưa ong đi tìm mật thì chỉ có giải nghề hoặc phá sản. Vì lượng đường cung cấp cho đàn ong những mùa không có hoa lên đến hàng chục triệu”, anh Ái lý giải và cho biết thêm, hiện đàn ong của gia đình anh có hơn 200 thùng.
Khi xác định vùng có nhiều hoa nở, những người làm nghề sẽ thuê xe chở ong đến địa điểm. Sau đó dựng lán nhỏ che mưa nắng và sinh sống cùng đàn ong đến hết mùa hoa thì nhổ lán đi nơi khác.
Anh Trần Văn Thịnh (quê Hải Dương) cho biết, sau khi tìm hiểu huyện Kim Sơn có diện tích rừng ngập mặn lớn nên anh quyết định đưa đàn ong 300 thùng của mình đến lấy mật. “Mật ong Sú vẹt có vị ngọt đặc trưng và giá trị tốt hơn hẳn những loài hoa khác nên được thị trường ưu chuộng”, anh Thịnh nói.
Kể về những vất vả của nghề, anh Thịnh nói: “Làm nghề này phải chấp nhận bị ong đốt. Có những ngày bị đốt 5,6 lần vào mặt, tay khiến mặt mũi sưng húp lại. Nhưng lấy chính mật của nó tra vào vết đốt se khỏi ngay. Làm lâu, quen với đặc tính của loài ong cũng như biết cách phòng thân thì chẳng bao giờ ong đốt được”, anh Thịnh nói và cho biết thêm, cái nghề này phải siêng năng, chịu khó và chịu được xa gia đình.
“Hết tỉnh này, vùng này lại chuyển đến vùng mới. Đi nhiều thì biết nhiều nhưng sương gió lắm. Có những năm đi triền miên vì khi đến nơi thấy hoa không đảm bảo chất lượng phải đưa ong đi nơi khác. Nhiều lúc nhớ gia đình hoặc nhà có việc cũng có bỏ đàn ong mà về được đâu”, người đàn ông 45 tuổi nói.
Sau khi hút mật từ hoa, ong sẽ nhả mật trong cầu ong rồi đắp kín miệng. Đợi khi cầu ong kín mật, thợ sẽ bỏ cầu vào thùng vắt mật. Để tránh bị đốt khi lấy mật, thợ phải trang bị kín mặt mũi, chân tay. Sau đó hun khói vào từng cầu để ong di chuyển sang cầu khác.
Với đàn ong 300 thùng của gia đình anh, mỗi lần quay mật cũng được gần 4 tạ mật. Mật ong sẽ được các công ty kinh doanh đến thu mua tận nới với giá 80.000 đồng/1kg. Trừ mọi khoản chi phí, anh cũng được vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Tuy đem lại thu nhập cao nhưng không phải ai cũng gắn bó được với nghề. Có những người thợ không chịu được vất vả hoặc không có kinh nghiệm thì không thể gắn bó lâu dài với nghề. “Nuôi ong không được để ong đói, nếu đói chúng sẽ kéo nhau đi. Cũng có những đàn ong không hợp với chủ chúng cũng bỏ đi. Có người mất cả trăm đàn ong chỉ trong một ngày” anh Thịnh nói.
Huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có gần 2.000 ha rừng ngập mặn. Từ tháng 6 - 8 hàng năm, loài cây Sú vẹt ở vùng rừng này ra hoa trắng cả một vùng trời. Dù sinh sống ở vùng nước mặn nhưng hoa Sú vẹt có mùi hương và vị ngọt đặc trưng.
Hoa Sú nở tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên ngoài đặc điểm sạch sẽ, mật ong hoa sú vẹt còn được dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh.
Thái Bá