Hậu Giang: Chăm sóc xoài thuê- nghề mới cho thu nhập ổn định

(Dân trí) - Bằng chính những kĩ thuật và kinh nghiệm chăm sóc vườn của mình, họ đã lập thành đội và nhận chăm sóc xoài trái cho các nhà vườn trong và ngoài địa phương. Với cách làm mới của đội giúp nhà vườn tiếp cận được với phương thức sản xuất mới, nâng cao giá trị của trái xoài.

Xoài được bao lại, sẽ tránh được tác hại từ bọ xít, nước mưa, hạn chế sử dụng thuốc BVTV
Xoài được bao lại, sẽ tránh được tác hại từ bọ xít, nước mưa, hạn chế sử dụng thuốc BVTV

Về thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), hỏi về “biệt đội” chuyên chăm sóc xoài trái thì hầu như ai cũng biết. Bởi lẽ, hơn 3 năm qua đội đã nhận và chăm sóc thành công hàng trăm vườn xoài lớn nhỏ trong và ngoài địa phương.

Từ lao động “trả công”…

Xuất phát từ thực tiễn trong canh tác tại vườn xoài của gia đình, các thành viên trong đội nhận ra rằng, giá trị kinh tế của trái xoài giảm đi một nửa khi chúng không đạt chất lượng màu da.

Từ năm 2013, nhóm thợ hái xoài này đã tìm tòi và học hỏi được kĩ thuật chăm bón xoài trái trong giai đoạn trưởng thành, bao bọc trái xoài lại bằng một loại bao chuyên dụng, cánh tỉa cành và loại bỏ trái non không cần thiết. Những cách làm này nhằm tạo ra trái xoài đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của thị trường.

Các anh luôn nhắc nhở nhau phải buộc thang thật chắc để đảm bảo an toàn
Các anh luôn nhắc nhở nhau phải buộc thang thật chắc để đảm bảo an toàn

Anh Lê Văn Sang, Đội trưởng “biệt đội” chăm sóc xoài trái cho biết: “Lúc trước, khi học được cách làm mới, mình chỉ dám áp dụng vào vườn nhà thôi, chứ không ai dám giao vườn cho mình cả. Vì họ chưa tin tưởng mình đâu, chỉ có anh em trong nhóm thì hỗ trợ nhau thôi”.

Ông Đinh Văn Phương (61 tuổi), ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn cho biết: Cách làm của “biệt đội” anh Sang cho thấy, trái xoài được bao bọc theo đúng kĩ thuật, sẽ cho giá trị gấp đôi so với cách làm truyền thống, vì đạt được chất lượng tốt, màu da sáng đẹp. Thứ hai, hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sức khỏe trong khi sản xuất.”

Nhận thấy, được hiệu quả từ phương pháp mà “biệt đội” chăm sóc xoài trái thực hiện, nhiều nhà vườn tìm đến nhóm của anh Sang, để nhờ chăm sóc vườn xoài của mình.

…đến “biệt đội” chuyên nghiệp.

Tất bật với công việc, anh Trần Tứ Hải (40 tuổi), Đội phó đội chăm sóc xoài trái chia sẻ: “Thấy bà con đến đặt hàng chăm sóc vườn nhiều quá, nên anh em trong nhóm tranh thủ sắp việc công việc của vườn nhà để tham gia, nhằm tăng thêm thu nhập. Năm nay, có khá nhiều nhà vườn đã đến đặt hàng, tuy có hơi bận rộn, nhưng có việc làm ổn định nên anh em trong đội ai cũng hăng say, nhiệt huyết lắm”.


Làm việc ở những địa điểm xa nhà, các anh phải dùng cơm tại vườn

Làm việc ở những địa điểm xa nhà, các anh phải dùng cơm tại vườn

Hiện tại, đội có 10 thành viên, chủ yếu là nông dân trồng xoài ở địa phương, mỗi ngày làm việc của các anh bắt đầu lúc 6h30 và kết thúc vào lúc 14h cùng ngày. Ông Trương Văn Hiền (64 tuổi), thành viên cao tuổi nhất đội cho biết: “Tuy công việc phải leo trèo có phần nguy hiểm, nhưng được cái mang lại nguồn thu nhập ổn định (200.000 đồng/ ngày). Lại được chăm sóc xoài, đúng ngay công việc mình yêu thích. Vì vậy, anh em làm vui vẻ và xem như chăm sóc vườn nhà mình”.

Mặc dù, đội làm theo phương thức dịch vụ nhưng luôn cố gắng tạo uy tín và niềm tin cho các nhà vườn. Ngoài việc lựa chọn trái xoài tiến hành bao lại, các anh còn tỉa cành, loại bỏ những trái bị bệnh, hư cho nhà vườn để tránh gây ảnh hưởng đến những trái khác và giúp cây tập trung dinh dưỡng để nuôi trái.


Phải vươn mình ra những trái xa cành

Phải vươn mình ra những trái xa cành

Ông Nguyễn Văn Chiêu, ấp Trường Thọ 2A, xã Trường Long, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ), cho biết: “Anh em trong đội làm rất chuyên nghiệp, nhanh nhẹn, hiệu quả. Ngoài việc, bao trái mấy anh em còn tuyển trái hư, tỉa cành… giúp cho vườn xoài của gia đình tôi tăng thêm thu nhập gấp đôi so với năm trước. Giao vườn cho đội tôi rất yên tâm”.

Theo quan sát của chúng tôi, công việc của “biệt đội” gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt các anh phải leo cao để bao trái. Do vậy, các anh luôn nhắc nhở nhau phải buộc dây thang cho an toàn, chọn điểm tựa vững chắc trên cây cao. Ngoài ra, các anh còn sáng tạo thêm nhiều dụng cụ hỗ trợ như cây móc, dây buộc để phục vụ cho quá trình làm việc, mang lại hiệu quả cao.

Nhận xét về “biệt đội” chăm sóc xoài trái của địa phương, ông Nguyễn Thanh Phong, Cán bộ Bảo vệ thực vật thị trấn Bảy Ngàn nói: “Diện tích xoài trên toàn thị trấn là 148ha, chủ yếu là xoài Cát Hòa Lộc. Cách làm của đội nâng cao được giá trị của trái xoài, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nhà vườn, giúp nông dân tiếp cận được với phương thức sản xuất mới. Ngoài ra, công việc đã mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên trong đội”.

Nguyễn Trần