1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ninh Bình: Hơn 6.000 lao động đã được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19

Thái Bá

(Dân trí) - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Bình cho biết, đến nay các địa phương trên địa bàn, cơ bản đã hoàn thành chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo số liệu từ Phòng Việc làm, Bảo hiểm thất nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Bình), tổng số đối tượng được hỗ trợ tính đến hết tháng 8/2020 là 10.885 người.

Trong đó, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 11 người; hộ kinh doanh có doanh thu kê khai dưới 100 triệu đồng/năm, tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020 là 424 hộ; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 2.365 người; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động là 8.085 người.

Ninh Bình: Hơn 6.000 lao động đã được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 - 1

Người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ký nhận tiền hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ đồng.

Đến ngày 30/8, các địa phương trong tỉnh Ninh Bình đã thực hiện chi trả cho 6.182 người, với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Trong đó, huyện Gia Viễn, Nho Quan đã chi trả xong 100%. Thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp đã chi trả xong đợt một và bắt đầu chi trả đợt hai.

Các huyện Yên Khánh, Hoa Lư, Yên Mô, Kim Sơn đã được cấp kinh phí bổ sung để hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Đầu tháng 9/2020, các địa phương trên đã bắt đầu thực hiện chi trả, phấn đấu hoàn thành công tác chi trả trong thời gian sớm nhất.

Ninh Bình: Hơn 6.000 lao động đã được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 - 2

Số tiền từ gói An Sinh đến tay người lao động kịp thời trong lúc gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh cho biết, huyện Yên Khánh có 446 đối tượng là người lao động, hộ kinh doanh thuộc diện được hưởng hỗ trợ từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ của Chính phủ, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, các xã, thị trấn đang gấp rút hoàn thành công tác chi trả.

Ông Quách Văn Vỹ, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết, công tác rà soát, thẩm định hồ sơ được huyện chỉ đạo và Sở hướng dẫn rất kỹ lưỡng, chặt chẽ, được kiểm tra, đối chiếu nhiều lần. Tới nay, UBND tỉnh phê duyệt 920 lao động được hưởng hỗ trợ với tổng số tiền 920 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Bình cho biết, việc rà soát, lập danh sách, thẩm định các đối tượng nhận hỗ trợ là người lao động rất khó khăn.

Bởi lẽ đây là chính sách mới, chưa từng có tiền lệ và phải triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, ít được tập huấn, hướng dẫn nên quá trình thu thập thông tin từ cơ sở bị lúng túng, khó xác định điều kiện hưởng.

Ninh Bình: Hơn 6.000 lao động đã được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 - 3

Các địa phương ở NInh Bình đang nỗ lực để sớm hoàn thành viện chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động.

Cùng với đó, tình hình mất việc làm của người lao động không đồng nhất về thời điểm trên địa bàn nên khi áp dụng gặp nhiều vướng mắc. Việc xác định các ngành nghề được hỗ trợ theo quy định cũng chưa kịp thời và thay đổi, gây khó khăn trong quá trình thực hiện…

Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác nhằm đưa số tiền hỗ trợ của Chính phủ đến đúng đối tượng. Đến nay, công tác chi trả hỗ trợ đã được hoàn tất, giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

“Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đưa cơ hội việc làm mới đến với người lao động”, ông Tuyến nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Bình, đến hết tháng 8/2020, đã có gần 3.000 lao động tại Ninh Bình tìm được việc làm mới.

Cùng với việc tăng cường kết nối thông tin thị trường lao động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về xuất khẩu lao động, coi đây là “kênh” tạo việc làm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người lao động tỉnh nhà.