Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ nâng cao, đó là điều vô giá
(Dân trí) - “Điều có được lớn nhất là qua gói hỗ trợ an sinh, quốc tế và trong nước, nhất là nhân dân đã ghi nhận, đồng tình ủng hộ. Niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Chính phủ nâng cao...”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định về kết quả triển khai công tác chi trả gói an sinh 62.000 tỷ đồng tới người dân gặp khó do đại dịch Covid-19, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương sáng ngày 2/7.
Đánh giá chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 42/2020/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gói an sinh xã hội, các cấp, ngành và địa phương đã vào cuộc quyết liệt”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tới ngày 30/6, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17,5 ngàn tỷ đồng.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được đại biểu được các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua dành thời gian thảo luận kinh tế xã hội, các địa phương đặc biệt quan tâm. Riêng Tổng đài 111 đã hoạt động 24/24 giờ số nóng tiếp nhận trên 50.000 thông tin hỏi từ người dân.
Đánh giá tổng quát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: “Phải khẳng định rằng, điều có được nhất thông qua gói hỗ trợ an sinh là sự ghi nhận của quốc tế và trong nước, nhất là nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó cho thấy niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước và Chính phủ nâng cao. Đây là điều có được vô giá”.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng.
“Đó là chính là giáo viên các trường tư thục, những người đã mất việc làm, ngưng việc làm, nhưng chưa được hỗ trợ. Dù có bổ sung thêm đối tượng nhưng nguồn kinh phí vẫn đảm bảo nằm trong gói 62.000 tỷ đồng, không có tình trạng vượt chi dự toán” - Bộ trưởng khẳng định.
Về việc “nới” điều kiện cho doanh nghiệp vay để trả lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị điều chỉnh bỏ tiêu chí quy định trong Quyết định 15 “doanh nghiệp không có nguồn thu”. Bởi khi doanh nghiệp không có nguồn thu thì sẽ rơi vào tình trạng gần như phá sản và giải thể, khó có khả năng để vay.
Được biết, khoản dự chi cho nội dung trên lên tới 16.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ điều chỉnh vấn đề này và giao lại cho Bộ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng bổ sung đề xuất điều chỉnh tiêu chí trong thời gian ngắn nhất.
Nhằm qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận, đồng thời cho doanh nghiệp vay cho đến hết tháng 12/2020, đồng thời thúc đẩy việc kích cầu tiêu dùng và sản xuất.
Tín hiệu đáng mừng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian giãn cách xã hội dự kiến đưa ra là 3 tháng, nhưng quan trọng nhất là chỉ có 1 tháng. Việc giải ngân dự kiến dành cho 20 triệu người dân nhưng tới nay đã có hơn 11 triệu người được hưởng. Như vậy, không phải giải ngân hết 100% mới là tốt, công việc dự kiến 3 tháng mà hoàn thành được như vậy là đáng mừng.
Hoàng Mạnh