Những sai lầm triệu đô của các... doanh nhân thành công
Những doanh nhân nổi tiếng, ngay cả khi đã có tên trong top những người giàu nhất thế giới, vẫn mắc sai lầm trên con đường kinh doanh. Và đó là những bài học đáng giá, không chỉ cho chính họ.
Trong mắt mọi người, các doanh nhân thành công - những người rủng rỉnh hàng tỷ đô la trong túi - là những cá nhân đã biết mọi ngóc ngách của thị trường cũng như những mánh khóe, chiêu trò trên thương trường.
Song ngay cả sự khôn ngoan và bề dày kinh nghiệm ấy cũng không ngăn được việc họ thường xuyên… mắc sai lầm. Và, chính bản thân họ cũng phải tự thừa nhận điều này.
1. Bill Gates: Ra tay giúp đỡ đối thủ Apple
Trái ngược hoàn toàn với hình ảnh hiện nay, Apple của đầu những năm 1990 gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là ngấp nghé bờ vực phá sản. Trong khi đó, cùng thời điểm trên, đối thủ Microsoft đang lên như diều gặp gió, với tăng trưởng doanh thu đạt mức 1,18 tỷ USD năm 1990 và khoảng 23 tỷ USD vào năm 2000.
Vì quá khát tiền, nên vào năm 1997, Apple đã đi đến thỏa thuận hợp tác cùng với Microsoft. Cụ thể, Apple đã bán lượng cổ phần tương đương với số tiền 150 triệu USD cho Microsoft. Đổi lại, Microsoft cam kết cung cấp phần mềm cho Apple.
Vào thời điểm đó, một số người đã cho rằng quyết định của Bill Gates là một nước cờ thông minh, bởi vì nó giúp giảm bớt sự lo lắng từ Chính phủ Mỹ về việc Microsoft đang thực hiện hành vi chống lại cạnh tranh.
Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh kinh doanh lâu dài, nhiều người khi xem lại thỏa thuận giữa Apple và Microsoft vào năm 1997 đã cho rằng đây là một trong những sai lầm lớn nhất của Bill Gates.
Bởi vì nhờ khoản tiền trị giá 150 triệu USD nói trên, Steve Jobs không chỉ vực dậy công ty của mình mà sau đó đã đưa Apple vượt mặt Microsoft trong một vài lĩnh vực, tiêu biểu như smartphone.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: Nếu như năm ấy Bill Gates nói "không" với Apple, thì chuyện gì có thể đã xảy ra?
2. Jeff Bezos: Canh bạc Fire Phone
2017 có thể được xem là một năm đầy thuận lợi đối với Jeff Bezos khi vị tỷ phú này soán ngôi Bill Gates để trở thành người giàu nhất hành tinh, và thậm chí vượt mốc 100 tỷ USD tài sản ròng.
Tuy nhiên, người giàu nhất hành tinh cũng thú nhận rằng thói quen thử nghiệm sản phẩm của mình tại thời điểm đó đã "thiêu rụi" hàng tỷ USD của Amazon.
Tại một buổi hội thảo ở New York, Jeff Bezos đã trả lời tờ Business Insider Ignition rằng: "Những sai lầm của tôi đã khiến cho Amazon mất hàng tỷ USD là ít. Tôi nói thật".
Vị tỷ phú chia sẻ rằng cảm giác mỗi khi nhớ lại những thất bại ấy giống như phải "lấy tủy răng mà không dùng thuốc tê vậy". Và, nếu phải kể ra một trong những "canh bạc" thất bại đáng nhớ nhất của Jeff Bezos, thì đấy chính là Fire Phone - chiếc điện thoại đã khiến Amazon "đi đứt" 170 triệu USD.
3. Warren Buffett: Phá vỡ nguyên tắc của chính mình với IBM
Tính đến đầu năm 2020, tổng tài sản ròng của Warren Buffett ước tính đạt hơn 87 tỷ USD. Ngoài ra, khi ca ngợi tài năng của ông trong lĩnh vực đầu tư, người ta vẫn thường ưu ái gọi Buffett là "nhà hiền triết của xứ Ohama".
Thế nên, nếu như nhắc đến một cá nhân có sự am tường cũng như có khả năng mang lại những lời khuyên hay nguyên tắc kinh doanh, đầu tư đúng đắn, thì ấy chắc phải là Warren Buffett.
Song, "nhân vô thập toàn", và Warren Buffett cũng có những lần đã phải phá vỡ nguyên tắc đầu tư của chính mình. Trong suốt nhiều năm liền, vị tỷ phú đều tránh đầu tư vào các công ty công nghệ.
Tuy nhiên, trong năm 2011, Warren Buffett đã rót một khoản tiền lớn vào công ty IBM, đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng những nguyên tắc từ trước đến nay của mình đã có phần thiếu sót.
Tính đến tháng 12/2017, giá cổ phiếu của IBM là 153 USD, thấp hơn hẳn mức giá cổ phiếu trung bình mà Warren Buffett thường mua là 167 USD - 197 USD.
4. Richard Branson: Virgin Brides và Virgin Cola
Sở hữu khối tài sản ròng vào khoảng 3,5 tỷ USD theo thống kê của Forbes và luôn nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của báo giới, không thể phủ nhận tên tuổi cũng như sự thành công của Richard Branson. Song, giống như bao vị tỷ phú khác, con đường sự nghiệp của Richard Branson cũng được lát bằng vô số thất bại và sai lầm.
Dù đã có được nhiều bài học từ những thất bại của mình, song, chúng cũng không ngăn được nhà sáng lập Virgin Group tiếp tục… mắc sai lầm.
Cụ thể như sự thất bại của 2 thương hiệu Virgin Cola và Virgin Brides. Virgin Cola, sản phẩm được kỳ vọng sẽ là đối thủ của Coca-Cola, chỉ chiếm được 0,5% thị phần và cứ thế chết dần chết mòn mà chẳng được một ai biết đến. May mắn thay cho Richard Branson là nhiều người biết đến ông nhờ những câu chuyện thành công hơn là các sai lầm này.
5. Oprah Winfrey: Kênh truyền hình Oprah Winfrey Network
Sau nhiều thập kỷ làm mưa làm gió trên sóng truyền hình Mỹ, Oprah Winfrey vốn đã có thể rút lui khỏi thương trường để hưởng thụ cuộc sống an nhàn giữa thời điểm chương trình The Oprah Winfrey Show kết thúc.
Thế nhưng, nữ doanh nhân gốc Phi vẫn chưa dừng lại ở đó mà còn mong muốn vươn tới mục tiêu cao hơn. Tháng 1/2011, bà đã ra mắt kênh truyền hình của riêng mình, mang tên Oprah Winfrey Network (OWN).
Những tưởng OWN sẽ là bước thành công tiếp theo của Oprah Winfrey, song, sự thật lại không dễ dàng như thế. OWN của những ngày đầu phải chật vật lắm mới có thể phát sóng và liên tiếp gặp thất bại.
Thậm chí, tự bản thân Oprah cũng thú nhận như sau khi trả lời tờ CBS News: "Tôi mà biết việc thành lập kênh truyền hình khó khăn thế này, thì chắc tôi đã làm cái gì đó khác rồi".
Nhìn lại sai lầm của mình, nữ tỷ phú nói rằng đã ra mắt kênh truyền hình trước khi nó kịp sẵn sàng. Bà hóm hỉnh chia sẻ rằng nếu như có ai muốn viết sách về chiến dịch ra mắt OWN thì chắc cuốn sách phải tên là "101 Sai lầm". Ư
ớc tính, OWN đã lấy đi của Oprah Winfrey gần 330 triệu USD và gần như khiến nữ doanh nhân mắc bệnh suy nhược thần kinh. May mắn là cuối cùng Oprah Winfrey cũng vượt qua lần thất bại này và giữ cho OWN vẫn còn tồn tại đến hôm nay.
Theo Lê Duy/Doanh nhân Sài gòn