1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những nhân viên đồng phục đỏ ở bệnh viện Việt Pháp

Vào bệnh viện Việt Pháp, ai cũng tấm tắc khen những nhân viên trong bộ đồng phục màu đỏ lịch lãm, đứng chào đón hướng dẫn bệnh nhân. Tuy nhiên, không mấy ai biết rằng: Nhiều em trong đó cách đây mấy tháng vẫn còn là những cô, cậu bé trong đám trẻ lang thang đường phố.

Vào khoảng giữa năm 2003, trong một lần tham gia làm từ thiện tại Việt Nam cùng với tổ chức Nhân đạo phi Chính phủ KOTO, ông Lucien Blanchard, Giám đốc Bệnh viện Việt Pháp đã nảy ra sáng kiến làm từ thiện với biện pháp thiết thực hơn là giúp cho các em “chiếc cần câu”, chứ không phải là đưa “con cá”. Ý nghĩ đã được biến thành hành động bằng cách tạo cho các em có hoàn cảnh khó khăn một việc làm ngay trong một bệnh viện được coi là sang trọng bậc nhất ở Hà Nội này.

 

Trên cơ sở hồ sơ, lí lịch đã được tổ chức Nhân đạo KOTO lập và thẩm tra kỹ, các em có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ ở Hà Nội đã được lựa chọn đưa tới bệnh viện để đào tạo nghề, ngoại ngữ, rồi tuyển dụng vào các chân lao động tạp vụ như đón, đưa, hướng dẫn bệnh nhân... Một số em có năng lực khá thì được đưa vào các vị trí cao hơn như phụ việc vặt ở các phòng phẫu thuật, nha khoa. Cuộc sống của các em nhờ vậy đã ổn định dần với thu nhập hàng tháng từ 7 - 8 trăm ngàn đồng/tháng, chưa kể các em được hưởng mọi chế độ ăn trưa, bảo hiểm xã hội như các nhân viên khác của bệnh viện.

 

Hiện bệnh viện Việt Pháp đã nhận và rèn luyện được 11 nhân viên “đồng phục đỏ” từ đám trẻ lang thang đường phố, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho các em. Ở đây, trong một môi trường sạch sẽ, tác phong công nghiệp, có kỷ luật các em được học từ cách đi đứng, chào hỏi, trang phục đến ngoại ngữ và cách giao tiếp với bệnh nhân. Mọi nhân viên bệnh viện luôn sẵn sàng giúp đỡ các em khi cần thiết.

 

Phạm Thị Lý, sinh năm 1986, quê ở Bình Lục, Hà Nam cho biết: Gia đình em có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhà đông anh em mà bố mẹ thì đau ốm luôn. Học hết lớp 7 thì em phải ở nhà để trợ giúp gia đình, nhưng thu nhập ở quê em rất thấp nên em đã phải bỏ ra Hà Nội tìm những công việc từ nhặt rác, rửa bát tới phụ giúp bán hàng để sinh sống và kiếm thêm chút tiền gửi về cho bố mẹ.

 

Từ khi vào bệnh viện Việt Pháp cuộc sống của em đã bước hẳn sang một bước ngoặt: Không những có việc làm, thu nhập ổn định, mà về tinh thần Lý còn được “sưởi ấm” trong một “gia đình” là tập thể các cán bộ, bác sĩ, y tá của bệnh viện.

 

Thật thà, chăm chỉ, ngoan ngoãn, lại khéo tay, tinh ý nên sau hơn 6 tháng Lý đã được đưa lên làm nhân viên của phòng Nha khoa với thu nhập hơn 1 triệu đồng/ tháng. Trong vòng tay thương yêu chung của tập thể, mọi mặc cảm về thân phận của Lý đã dần tan biến...

 

Lê Thị Vân, SN 1985, (thôn Mẫu Lương, Kiến Hưng, Hà Đông) lại có hoàn cảnh éo le hơn: Nhà nghèo có 5 anh chị em, mẹ mất sớm, bố là bộ đội phục viên, làm nghề nông, lại đau yếu luôn nên Vân là một lao động chính của gia đình. Vào bệnh viện Việt Pháp, Vân đã có việc làm ổn định, thu nhập khá hơn so với công việc nhà nông.

 

Vân cho biết: Hàng sáng Vân dậy từ 5h, giúp bố việc nhà, nấu cám cho lợn, lo toan cho các em, rồi đạp xe ra bến xe Hà Đông đi xe buýt tới bệnh viện Việt Pháp. Công việc thường nhật của em tại bệnh viện là đón tiếp và giúp đỡ bệnh nhân từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Sau đó lại đi xe buýt về nhà giúp bố cơm nước cho các em...

 

Còn nhiều thân phận éo le khác như Nguyễn Hồng Việt (Văn Mỗ, Hà Đông), Đôn Thị Tuyến (Quốc Oai, Hà Tây ), Nguyễn Thị Thu Hiền (Thanh Hóa)… đều đã từng là những đứa trẻ nghèo, nay đã may mắn tìm được chỗ đứng tại bệnh viện Việt Pháp với công việc hợp sức của mình. Tương lai đang rộng mở trước mắt các em với một chân trời mới, sáng lạn hơn.

 

Theo Trọng Quang
Hà Nội Mới