Những nhà giáo không có ngày 20/11 ở Miền Trung

Không khí 20/11 tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nơi vừa xảy ra các vụ sạt lở núi kinh hoàng sau cơn bão số 12 có phần trầm lắng hơn mọi năm.

Hơn 10 ngày nay, cô giáo Nguyễn Thị Duyên, ở xã Trà Tập, huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cùng chồng và 2 đứa con thơ dại phải thuê nhà ở tạm. Cô Duyên nghẹn ngào kể, cơn bão số 12 gây mưa to, sạt lở núi đã vùi lấp nhiều ngôi làng. Ngôi nhà của gia đình cô cũng bị sạt lở sâu đến tận hiên nhà.

Hoàn cảnh khó khăn của cô giáo Duyên
Hoàn cảnh khó khăn của cô giáo Duyên

Lo sợ nhà sập, cả gia đình dắt nhau chạy sang nhà người quen ở tạm, cuộc sống hết sức khó khăn. Cô Duyên đỏ hoe đôi mắt khi nhắc đến tình cảnh gia đình mình. Theo chồng lên miền núi cao Nam Trà My dạy học 3 năm nay, 2 vợ chồng chắt chiu dành dụm cộng thêm sự giúp đỡ của bà con họ hàng mới cất được ngôi nhà nho nhỏ ven núi. Vậy mà giờ đây, nhà không còn, ruộng vườn cũng bị đất đá vùi lấp. Cuộc sống cả gia đình trông chờ tiền lương hợp đồng của cô mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, nay phải thuê nhà ở tạm mất đứt hơn 1 triệu.

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên lo lắng: "Giờ nhà cửa thì không có, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Giáo viên miền núi khó khăn nhiều cái, đặc biệt là đường sá đi lại. Ở đây vùng sâu vùng xa, địa bàn huyện cách trở, giữa các thôn, nóc cách xa nhau. Nhiều thôn, nóc phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ mới tới. Nên các thầy cô luôn lấy sĩ số các em đến lớp làm niềm vui".

Trẻ em đến lớp gặp nhiều khó khăn
Trẻ em đến lớp gặp nhiều khó khăn

Cơn bão đi qua, để lại bao cảnh đời khốn khó. Các thầy cô giáo ngày ngày đến lớp nặng nghiệp con chữ lại thêm gánh lo cơm áo gạo tiền. Mỗi khi nghĩ đến học trò là người Thầy vùng cao quên hết nhọc nhằn, lo toan. Mấy hôm nay, các thầy, các cô xắn quần dọn bùn đất, sửa sang trường lớp, đón học sinh trở lại trường. Sau bão lũ, nhiều em không còn quần áo, sách vở; các thầy cô lại đi vận động, quyên góp giúp các em vượt qua thiếu thốn trước mắt.

Thầy giáo Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vùng cao Nam Trà My cho biết, đến nay ở một số điểm trường lẻ vẫn còn bị cô lập do sạt lở núi gây chia cắt, học sinh chưa thể đến trường. Tại những khu vực xảy ra lở núi vùi lấp nhiều nhà dân thuộc xã Trà Vân, cuộc sống của bà con chưa ổn định, chính quyền địa phương, các đoàn thể và các thầy, cô phải đến tận nơi thăm hỏi, hỗ trợ gia đình đưa các em ra lớp.

Đợt bão lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề đối với đồng bào miền Trung. Hàng ngàn ngôi nhà bị sập, nhiều ngôi làng bị vùi lấp, hàng trăm gia đình mất người thân, tài sản trôi theo dòng nước dữ, có người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy. Có những gia đình mất đến 2-3 người thân. Tang thương bao trùm lên nhiều xóm nghèo.

Trước nhiều mất mát, đau thương do thiên tai gây ra, Ngành Giáo dục một số tỉnh miền Trung kêu gọi mọi người hướng về đồng bào vùng bão lũ. Kỷ niệm Ngày Nhà giáo năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đề nghị các trường tổ chức trang trọng, gọn nhẹ, không liên hoan, văn nghệ và đề nghị các thầy cô, giáo không tiếp đón học sinh, phụ huynh đến chúc mừng tại nhà riêng.

Không khí ngày 20/11 khá trầm lắng nhưng thật ấm áp bởi các thầy, cô giáo nơi bão lũ đi qua đều cảm nhận được rằng, “hạnh phúc là được sẻ chia” như lời tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Mai, huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam: "Một năm chỉ có một ngày, để khuyến khích tinh thần, động viên thầy cô. Buồn thì có buồn những ai cũng rất thỏa mãn vì huyện tập trung nguồn để hỗ trợ những gia đình gặp hoạn nạn, khó khăn ngặt nghèo, như ở xã Trà Vân chết rất nhiều trong đợt mưa lũ vừa qua. Do đó các thầy cô mặc dù có buồn nhưng vẫn chia sẻ"./.

Theo VOV.VN