1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những người làm nghề cứu hộ bãi biển ở Đà Nẵng

(Dân trí) - Lực lượng cứu hộ biển Đà Nẵng luôn có mặt đảm bảo an toàn ở các bãi biển và ngoài khơi xa  giúp người dân lẫn du khách an tâm khi vui chơi, tắm biển tại nơi đây.

Sự nhạy bén của nghề

Vào những ngày giữa tháng 7, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều du khách đã lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng để du lịch cũng như tắm biển.

Khách đông khiến nhân viên làm nghề cứu hộ tại bãi biển Đà Nẵng phải luôn thay nhau túc trực bên các điểm nóng trên bờ biển và ngoài khơi xa.

Những người làm nghề cứu hộ bãi biển ở Đà Nẵng - 1

Lực lượng cứu hộ luôn túc trực ở bãi biển quan sát và sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố, đảm bảo an toàn cho du khách

Không khó để nhận ra nhân viên làm nghề cứu hộ biển Đà Nẵng. Mang trên mình chiếc áo vàng và quần đỏ bắt mắt, hình ảnh những nhân viên cứu hộ gợi lên sự thân quen, an toàn cho các gia đình, du khách vui chơi trên cát hoặc dưới lòng biển.

Anh Nguyễn Văn Tiến (người dân Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất an tâm trước sự có mặt của lực lượng cứu hộ biển Đà Nẵng, tôi có thể tự do tận hưởng mùa hè dưới làn nước mát mà không gặp nguy hiểm gì”.

Có mặt tại bãi biển, gia đình chị Gia Huy, du khách tới từ thành phố Đà Lạt đang thoải mái ngồi trên bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), vui vẻ nói: “Những người làm nghề cứu hộ giúp đem lại môi trường trong lành, sự bình yên cho du khách chúng tôi yên tâm đến Đà Nẵng để nghỉ ngơi, du lịch”.

Những người làm nghề cứu hộ bãi biển ở Đà Nẵng - 2

Lượng du khách rất đông vào mỗi sáng và chiều tối nên áp lực công việc cũng vì thế mà nặng hơn đối với lực lượng cứu hộ biển Đà Nẵng.

Nghề cứu hộ biển là không hề dễ dàng, nhất là lúc du khách đông vào các dịp lễ tết, những sự kiện lớn. Đòi hỏi người làm công tác cứu hộ cần phải có một sự quan sát nhạy bén, nhanh nhẹn để xác định vị trí du khách gặp nguy hiểm.

Bơi thuyền theo ...khách say rượu

Đã có 25 năm thâm niên trong nghề, ông Đặng Cư  (54 tuổi), tổ viên tham gia đội cứu hộ quận Sơn Trà cho biết: “Làm nghề cứu hộ cần phải có sự am hiểu vùng biển, quản lý để không cho khách tắm ở khu vực nước sâu, mỗi khi nhìn thấy họ tay dơ chới với, đầu chìm xuống nước là người đó đang gặp nguy”.

Ông Cư cho biết thêm, có nhiều du khách khi ăn uống, có chất men trong người vẫn đi tắm biển, đi ra xa khỏi khu vực quản lý. Mặc dù đã nhắc nhở nhưng họ vẫn không chấp hành theo sự hướng dẫn.

Bởi vậy, nhiều trường hợp, đội cứu hộ phải sử dụng thuyền thúng để bơi theo du khách. Chỉ khi vị khách đó quay lên bờ rồi, nhân viên cứu hộ mới quay về.

Những người làm nghề cứu hộ bãi biển ở Đà Nẵng - 3

Ông Cư như đang quan sát du khách bơi 

Tâm sự với PV Dân Trí, ông Cư cho biết đa số thành viên trong đội cứu hộ bán đảo Sơn Trà đã trên 40 tuổi, công việc nhọc nhằn nhưng đầy tính trách nhiệm, đối mặt với hiểm nguy cao.

Mỗi thành viên trong đội đều phải có một sức khỏe tốt, bơi lội giỏi để có thể giúp đỡ người dân khi có hiểm nguy, được đào tạo bài bản về các phương pháp sơ cứu đuối nước. Điều quan trọng nhất là phải dũng cảm, yêu nghề, tổ chức và kỷ luật mới có thể theo nghề được.

Bắt đầu ca trực của mình tại chốt vào 4 giờ 30 phút sáng. Bất kể thời tiết đông hay hè, nắng hay mưa, khách đông hay thưa, đội cứu hộ biển Đà Nẵng vẫn thầm lặng thực hiện công việc của mình.

Gần 100 người chia thành 19 tổ dọc theo các tuyến biển như: Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và cuối cùng là Nguyễn Tất Thành. Mỗi khu vực có từ 4 đến 5 người quản lý trong bán kính 500 đến 2km. Họ là những người bảo vệ an toàn cho các bãi biển du lịch.

Từ khi có đội cứu hộ trên bờ biển Đà Nẵng hầu như không có trường hợp đuối nước thương tâm nào diễn ra. Mỗi năm, lực lượng cứu hộ biển đã thực hiện ứng cứu giúp gần 300 trường hợp gặp nguy hiểm khi đi tắm biển.

Văn Tuấn