Những người còng lưng phu đá

Những phu đá tứ xứ đến mưu sinh trên khắp các triền núi ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Máy cắt cũng là một công cụ làm nghề nguy hiểm với các phu đá. Ảnh: Nguyễn Lâm
Máy cắt cũng là một công cụ làm nghề nguy hiểm với các phu đá. Ảnh: Nguyễn Lâm

Dọc theo con đường đất nhỏ gập ghềnh ở ấp Sóc Triết, xã Cô Tô nhiều phu đá đang ra sức đập khối đá nặng hàng tấn thành từng trụ nhỏ theo khổ.

Ánh mắt chăm chú vào từng nhát búa, ông Nguyễn Thành Công (54 tuổi, ngụ huyện Thoại Sơn) bảo: “Cái nghề này đã gắn bó với tôi gần 30 năm nay rồi. 16 tuổi đã theo nghề, một thời gian dài bôn ba khắp nơi, ra tận miền Trung kiếm sống. Nhưng cánh chim bay hoài rồi cũng sẽ mệt. Bây giờ cũng ngót 5 năm, gia đình tôi với 3 thế hệ dắt díu nhau lên đây ở hẳn.

Công việc cứ thế từ sáng sớm cho đến tận chiều tối. Hôm nào xí nghiệp họ khai thác nhiều đá thì kiếm được vài trăm, còn trở ngại thì ít hơn. Nhưng nếu trời không thương mà mưa gió thì coi như bữa đó trắng tay”.

Theo ông Công, để hành nghề phu đá, phải đầu tư gần 3 triệu đồng sắm đồ nghề gồm: 40 cây đục các loại, 2 cây búa lớn nhỏ. Dùng búa lớn rất hao sức lực, nhưng đổi lại là công việc nhanh.

“Biết là thời nay hiện đại lắm, có máy móc hết rồi. Còn làm việc bằng tay thì cực hơn gấp nhiều lần. Nhưng vì chén cơm manh áo, vả lại chủ đá không cho làm máy vì đá dễ bị hư hao. Mà làm bằng tay chân thì đá còn hoài để làm, máy móc thì vài bữa là hết. Cứ thế từ ngày này qua tháng nọ, mỗi ngày làm ra bao nhiêu thì tính bấy nhiêu. Nghề này làm chỉ đủ ăn, thậm chí là thiếu chứ không có dư”, ông Công nói.

Để có thu nhập nuôi cả gia đình, ông hầu như phải vắt hết sức lực. Đến nay, ông bị viêm khớp chân tay, lao phổi do hít bụi đá, và điều kiện làm việc nặng nhọc. “Không việc thì ráng đeo chứ hễ ai làm nghề phu đá là hết bấy nhiêu người bị lao, mờ mắt, ù tai”, ông Công tâm sự.

Cách chỗ ông Công vài chục mét, anh Lê Công Thức (37 tuổi) cũng đang đục leng keng. Gia đình ở tận huyện Phú Tân vào đây làm nghề phu đá. Từ thuở nhỏ, cũng vì quá nghèo nên năm lên 13 tuổi đã theo nghề này ở Núi Sập, Ba Hòn… rồi cuối cùng dạt về đây ở hẳn. “Gần hai chục năm làm nghề, chắt chiu tài sản của gia đình là một căn nhà tạm bợ. Để có cái ăn, lo cho con nhỏ, vợ chồng tôi phải bám trên triền đá làm việc mỗi ngày”, anh Thức nói.

Anh Mai Văn Thuyên (31 tuổi) là dân ở tận miền biển Trà Vinh lên bãi đá Cô Tô theo các ghe chở đá giao cho các vựa khắp miền Tây. Anh Thuyên bảo: “Mấy anh em tôi thì không làm nghề đục đá, mà là gánh đá. Cứ một nhóm 4 người gánh từng trụ đá nặng gần 220kg. Cứ hết ghe này lại đến ghe khác. Dù còn trẻ, nhưng cứ sau mỗi ngày làm việc là toàn thân tê tái. Cực quá! Nhưng trong tay không có đất làm nông, phải bám nghề mà sống”.

Gánh mỗi trụ đá lớn xuống ghe, nhóm được trả 8.000 đồng. Mỗi ngày, mỗi người trong nhóm kiếm được gần 150.000 đồng. “Làm nghề đá 95% mắc bệnh phổi, đau khớp. Vì miếng cơm, manh áo mà phu đá phải đánh đổi mọi thứ từ sức khỏe, xương máu, và có khi là cả tính mạng để đổi lấy cuộc sống đắp đổi qua ngày”, anh Thuyên nói.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cô Tô cho biết, toàn xã có khoảng gần 300 người từ khắp nơi về định cư, sinh sống bằng nghề đá. Công việc nặng nề, vất vả này không chỉ có nam giới mà phụ nữ cũng tham gia. Vì tính chất công việc, chuyện bệnh tật xảy ra với họ là rất nhiều. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, trước đây xã này rất hoang sơ. Nhưng kể từ khi có những phu đá quy tụ về thì hiện giờ nơi đây đã từng bước thay da đổi thịt. Nhà cửa mọc lên dày hơn, cảnh buôn bán, giao thương cũng trở nên nhộn nhịp.

Theo Báo Tiền phong