Những người càng đấu tranh mạnh mẽ càng bị chèn ép, tìm cách sa thải

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Cán bộ công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp càng năng nổ, đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi cho công nhân thì càng bị giới chủ ghét, chèn ép, thậm chí là tìm mọi cách để sa thải.

Khu vực hoạt động "không an toàn"

Ngày 12/5, Liên đoàn Lao động TPHCM phối hợp cùng Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức tọa đàm "Thực trạng hoạt động công đoàn, thực tiễn thi hành Luật Công đoàn 2012 tại TPHCM và đề xuất giải pháp, kiến nghị hoàn thiện".

Những người càng đấu tranh mạnh mẽ càng bị chèn ép, tìm cách sa thải - 1

Các đại biểu góp ý tại tọa đàm (Ảnh: Tùng Nguyên).

Tại tọa đàm, TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhấn mạnh vào hoạt động công đoàn tại các công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp, trong đó có việc tổ chức thương lượng tập thể, đối thoại giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, tham gia xây dựng và giám sát chính sách của doanh nghiệp, xử lý tranh chấp quyền lợi giữa công nhân và giới chủ, công tác tổ chức đình công bảo vệ quyền lợi người lao động…

Bà Nguyễn Phan Bảo Khuyên, chuyên viên Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, trung tâm vừa tham gia bảo vệ thành công cho một cán bộ công đoàn cơ sở bị sa thải trái pháp luật. Kết quả, tòa đã tuyên buộc chủ doanh nghiệp phải bồi thường 500 triệu đồng, đồng thời nhận cán bộ này làm việc trở lại.

Theo bà Khuyên, qua hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người lao động, trung tâm ghi nhận những tranh chấp lao động giữa cán bộ công đoàn cơ sở và chủ sử dụng lao động như trên có khá nhiều, nhất là ở khu vực các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Bởi khi cán bộ công đoàn cơ sở năng nổ, đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, không tránh được việc chủ sử dụng lao động ghét bỏ, chèn ép, thậm chí là tìm mọi cách để sa thải.

Ông Nguyễn Đình Cường, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP Thủ Đức cho rằng: "Cán bộ công đoàn cơ sở đang hoạt động trong khu vực không an toàn. Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở tốt hơn, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước để những người đại diện cho công nhân lao động yên tâm làm việc".

Những người càng đấu tranh mạnh mẽ càng bị chèn ép, tìm cách sa thải - 2

Ông Nguyễn Đình Cường trăn trở về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Cường, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở giỏi nhưng cũng hoạt động công đoàn không hiệu quả vì họ nhận lương của doanh nghiệp nên "ngại" khi đấu tranh những vấn đề gây hại cho lợi ích của doanh nghiệp. Phần khác cũng lo sợ bị chèn ép, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của bản thân.

Cán bộ không được đào tạo

Đại diện cho giới chủ doanh nghiệp, bà Trần Diệu Canh, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần thương mại cơ khí Tân Thanh đánh giá, công đoàn vẫn là cơ cấu giúp ích cho hoạt động của doanh nghiệp nếu cán bộ công đoàn đủ năng lực tổ chức. Nhiều doanh nghiệp vẫn tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động.

Những người càng đấu tranh mạnh mẽ càng bị chèn ép, tìm cách sa thải - 3

Các doanh nghiệp lớn đều rất quan tâm đến hoạt động công đoàn (Ảnh: Tấn Nguyễn).

Bà Nguyễn Phan Bảo Khuyên cũng đồng tình rằng những doanh nghiệp lớn, đông công nhân rất coi trọng tổ chức công đoàn. Vì hoạt động thương lượng, thỏa thuận tập thể do công đoàn tổ chức mang tính khách quan, dễ được công nhân chấp nhận hơn là mệnh lệnh từ giới chủ doanh nghiệp, tác động tích cực đến công việc chuyên môn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ, ít công nhân thường không quan tâm đến hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn cơ sở năng lực yếu, dẫn đến không tự tin khi thương lượng, hoạt động kém hiệu quả, cả giới chủ và công nhân đều không tin tưởng.

Ông Nguyễn Đình Cường nhận định, hoạt động công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước rất khó khăn, nhất là tại các doanh nghiệp nhỏ có 10 lao động trở xuống, hầu như chỉ thành lập công đoàn cho có, để đối phó với các đoàn kiểm tra.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn công ty Cổ phần thương mại cơ khí Tân Thanh cũng phản ánh thực trạng cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay không được đào tạo bài bản mà chỉ tích lũy kinh nghiệm, kiến thức qua quá trình làm việc thực tế nên nhiều việc không biết làm. Theo ông, những hoạt động đối thoại, thương lượng mà cán bộ công đoàn yếu chuyên môn thì không thể làm được.

Những người càng đấu tranh mạnh mẽ càng bị chèn ép, tìm cách sa thải - 4

Ông Trần Văn Hùng đề nghị có quy định đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở (Ảnh: Tùng Nguyên).

Do đó, ông Hùng đề nghị, trong Luật Công đoàn phải có điều khoản, cơ chế quy định việc đào tạo kiến thức hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn cơ sở, đặc biệt là ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Từ đó, giúp cán bộ công đoàn đủ năng lực làm việc, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công nhân.