1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Dương:

Những ngành "điểm nóng" mất việc cuối năm, sau Tết cần hút 10.000 lao động

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Dự báo Quý I/2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 lao động.

Theo báo cáo tình hình lao động ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết 2023 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 lao động, bao gồm tuyển lao động mới và tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc.

Trong đó, nhu cầu tuyển mới chiếm khoảng 35%, số còn lại được doanh nghiệp tuyển chủ yếu là để bù đắp số lao động về quê ăn Tết nhưng không trở lại làm việc. Do đó, trong số 10.000 vị trí làm việc trên, doanh nghiệp cần đến 80% là lao động có kinh nghiệm hoặc tay nghề.

Ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn sau Tết chủ yếu là may mặc, da giày và một số ngành sử dụng nhiều lao động như điện tử, cơ khí, dịch vụ...

Nhu cầu này không cao so với nhu cầu lao động sau Tết 2022. Thời điểm đó, sau đợt ảnh hưởng do dịch Covid-19, các nhà máy tại Bình Dương thiếu lao động nghiêm trọng, cần tuyển 40.000-50.000 công nhân trong tháng đầu tiên sau Tết 2022.

Những ngành điểm nóng mất việc cuối năm, sau Tết cần hút 10.000 lao động - 1

Sau Tết 2023, Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 lao động (Ảnh minh họa: P.N.).

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động, tổ chức định kỳ 2 phiên giao dịch việc làm mỗi tháng, phát huy sàn giao dịch việc làm trực tuyến, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nghỉ việc, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm…

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương đề nghị các doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi cho người lao động nhằm giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đồng thời thu hút nguồn lao động đang cần tuyển.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, từ cuối quý II/2022, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Thống kê sơ bộ từ tháng 7 đến tháng 11/2022, toàn tỉnh có trên 250.000 lao động bị ảnh hưởng phải giảm giờ làm, có 37.700 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương… Trong đó, ngành gỗ, dệt may, da giày, điện, cơ khí có số lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Để ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, Sở LĐ-TB&XH Bình Dương đã thực hiện nhiều giải pháp như: rà soát để điều tiết lao động bị cắt giảm sang các doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng; tăng cường chăm lo đời sống cho người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023...

Trong năm 2022, Bình Dương đã thực hiện giải ngân xong chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng số gần 1,6 triệu lượt người, kinh phí gần 974 tỷ đồng. Qua đó, góp phần hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc.

Với những lao động nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Sở LĐ-TB&XH Bình Dương đã kiến nghị UBND tỉnh tăng mức chi hỗ trợ từ 500.000 đồng/suất lên 1.000.000 đồng/suất, tổng số 46.500 suất quà với kinh phí 46,5 tỷ đồng.

Với 450.000 công nhân lao động không về quê, ở lại Bình Dương đón Tết, Liên đoàn Lao động các cấp cũng đã hỗ trợ gần 130.000 người với tổng số tiền khoảng 88 tỷ đồng.

Những ngành điểm nóng mất việc cuối năm, sau Tết cần hút 10.000 lao động - 2

Theo báo của Bình Dương, sau Tết có 94% lao động trở lại với công việc (ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương).

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở về một số giải pháp hỗ trợ như hướng dẫn Công đoàn cơ sở tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt pháp luật lao động, chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ phúc lợi cho người lao động nhằm giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đồng thời làm cơ sở để thu hút nguồn lao động đang cần tìm việc.

Liên đoàn lao động cũng thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thông tin, tuyên truyền đến người lao động biết và liên hệ tìm việc. Đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với người lao động, giúp người lao động mất việc có cơ hội sớm quay trở lại thị trường lao động.

Công đoàn phối hợp với ngành Lao động tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, tổ chức phỏng vấn trực tuyến hàng ngày hỗ trợ lao động đang thất nghiệp có cơ hội tiếp cận ngay với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Hỗ trợ tư vấn kịp thời cho người lao động về thủ tục giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo nghề mới cho người lao động bị thất nghiệp. 

Theo Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết (ngày 27/1), trên địa bàn tỉnh đã có 255 doanh nghiệp với hơn 37.000 lao động trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp và lao động trở lại làm việc vào ngày 27/1 chưa cao là do nhiều doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất đầu năm vào ngày 30/1 (nhằm mùng 9 Tết Âm lịch).

Ngoài ra, vào cuối quý 4/2022, do tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn nên một số doanh nghiệp bố trí thời gian nghỉ Tết dài ngày cho công nhân, ghép ngày nghỉ phép năm vào kỳ nghỉ Tết, cho lao động tạm hoãn hợp đồng nghỉ việc không lương trong thời gian sau kỳ nghỉ Tết…