1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Những loại bảo hiểm doanh nghiệp phải đóng cho người lao động

Ông Nguyễn Công Tú (TP. Hà Nội) hỏi: Hộ kinh doanh gia đình tôi vừa chuyển đổi thành Công ty. Nay Công ty muốn đóng bảo hiểm cho khoảng 50 nhân viên thì thủ tục đăng ký như thế nào, phải đóng những loại bảo hiểm nào?

Về vấn đề này, BHXH TP. Hà Nội trả lời như sau:

Thành phần hồ sơ đơn vị tham gia BHXH lần đầu

Người lao động: Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS) mỗi người lao động 1 bản; Đối với người được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Giấy tờ chứng minh.

Đơn vị: Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin đơn vị tham gia BHXH, BHYT (mẫu TK3-TS); Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN (mẫu D02-TS); Bảng kê hồ sơ làm căn cứ hưởng quyền lợi BHYT cao hơn. Số lượng hồ sơ: 1 bộ

Đối tượng đóng BHXH

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH số 58/2014/QH13 “Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH” bao gồm:

- Người làm việc theo Hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng kể cả HĐLĐ được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (áp dụng từ 1/1/2018);

- Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ.

Như vậy tất cả các doanh nghiệp có thuê mướn sử dụng lao động theo HĐLĐ từ 3 tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia BHXH không phân biệt số lượng lao động trong đơn vị.

Đối tượng đóng BHYT

Theo quy đinh tại Điều 12 Luật BHYT số 46/2014/QH13, đối tượng đóng BHYT được chia thành 5 nhóm như sau:

Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động); Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Nhóm do tổ chức BHXH đóng, bao gồm: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; Người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm: Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an; Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; Người có công với cách mạng, cựu chiến binh; Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm; Trẻ em dưới 6 tuổi; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại điểm i khoản này; Thân nhân của các đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều này; Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật; Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.

Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; Học sinh, sinh viên.

Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Chính phủ quy định các đối tượng khác ngoài các đối tượng quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này; quy định việc cấp thẻ BHYT đối với đối tượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý và đối tượng quy định tại điểm l khoản 3 Điều này; quy định lộ trình thực hiện BHYT, phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT, khám bệnh, chữa bệnh BHYT, quản lý, sử dụng phần kinh phí dành cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT, giám định BHYT, thanh toán, quyết toán BHYT đối với các đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

Đối tượng đóng BHTN

Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013, đối tượng tham gia BHTN gồm: Người lao động phải tham gia BHTN khi làm việc theo HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc như sau: HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều HĐLĐ quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của HĐLĐ giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHTN.

Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia BHTN.

Người sử dụng lao động tham gia BHTN bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, những loại bảo hiểm mà doanh nghiệp đóng cho người lao động là BHXH, BHYT và BHTN. Doanh nghiệp liên hệ tại Bộ phận 1 cửa tầng 2, phòng 202, BHXH quận Hai Bà Trưng, số 6 ngõ 167 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để được hướng dẫn chi tiết. Điện thoại: 04.36285573

Theo Chinhphu.vn