Những điều nên làm để tránh "khủng hoảng tuổi trung niên"
Khủng hoảng tuổi trung niên là một vấn đề rất phổ biến và có thể xảy ra với bất cứ ai đang bước vào quãng giữa của cuộc đời.
Đối với một số người, những dấu hiệu của khủng hoảng xuất hiện khá sớm và bản thân họ đã được trang bị đầy đủ thông tin để có thể vượt qua cơn khủng hoảng một cách dễ dàng. Trái lại, một số khác đang phải "đánh vật" với cái được gọi là "khủng hoảng tuổi trung niên" trong mệt mỏi, thậm chí cả trong vô vọng. Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn giảm thiểu, ngăn chặn nỗi lo này:
Hãy nghĩ rằng không bao giờ là quá muộn
Ở quãng giữa cuộc đời, có lẽ, bạn sẽ thường lo lắng khi nghĩ về những thứ bản thân muốn làm nhưng không bao giờ có thời gian, hoặc đã qua thời điểm thích hợp để thực hiện chúng. Thực tế, bạn vẫn luôn có thời gian để viết một cuốn sách, chinh phục một ngọn núi, đi du lịch vòng quanh thế giới hoặc học cách làm những điều mình luôn muốn thực hiện bấy lâu nay.
Đừng nghĩ đến "tuổi phải trẻ, tài mới cao". Nếu bạn thực sự muốn tránh khỏi cơn khủng hoảng này, hãy quyết tâm và chấp nhận thực tế. Nên nhớ, tuổi tác không phải là điều ngăn cản bạn tiến tới thành công.
Hãy đánh giá lại các mối quan tâm, sự ưu tiên của bạn
Sự ưu tiên của chúng ta có thể thay đổi theo thời gian bởi những lý do nhất định. Mọi chuyện sẽ là hoàn toàn bình thường nếu như bạn đã vô tình từ bỏ một số ước mơ, vì kỳ vọng về thành quả mà chúng mang lại không còn hấp dẫn nữa.
Không có gì là sai khi bạn nhận ra việc tiết kiệm cho tuổi già có lợi nhiều hơn việc mua một chiếc ô tô thật "xịn và chất". Việc chấp nhận những thay đổi này là một điều đặc biệt quan trọng và hữu ích. Làm vậy sẽ giúp bạn luôn vững vàng trên con đường chuyển giao tới giai đoạn mới của cuộc đời.
Ngừng chờ đợi
Bây giờ là thời gian tốt để làm điều bạn đã dự định. Ngừng chờ đợi không có nghĩa là bạn cần phải phóng túng hoặc làm điều gì đó thật táo bạo ngay lập tức. Nó chỉ đơn thuần là việc bạn xác định được điều bạn muốn làm. Khi đó, hãy lập một kế hoạch cụ thể và hoàn thành kế hoạch đó theo cách mà bạn hài lòng nhất.
Việc trì hoãn, gác lại mọi thứ hoặc liên tục chờ đợi những điều sẽ xảy ra có thể khiến bạn trở nên lo lắng hơn. Điều quan trọng là có trách nhiệm với bản thân về những mục tiêu đã đề ra, đạt được điều bạn muốn một cách dứt khoát mà không chần chừ, trì hoãn. Nếu cần thiết, hãy tham khảo những lời khuyên và sự chỉ dẫn cho những quyết định cá nhân từ ai đó.
Đối mặt với sự hối tiếc
Tất cả chúng ta đều có lúc hối hận. Sự thật là chẳng có ai sống mà không đôi lần hối tiếc những gì đã qua. Nhưng, hãy dừng nuối tiếc và dành thời gian để "chữa lành vết thương" tinh thần cũng như mạnh mẽ vượt qua chúng. Hãy nói lời xin lỗi, tái liên kết với vấn đề và cuối cùng là buông bỏ những vướng bận để giải tỏa nỗi niềm của bạn. Hành động rũ bỏ và tiếp bước này tuy đơn giản nhưng sẽ giúp tinh thần của bạn "thoáng" hơn, thoải mái hơn.
Củng cố, nuôi dưỡng tình bạn ngay từ bây giờ
Nếu bạn không có một nhóm bạn bè tốt, hãy đầu tư thời gian để kết bạn ngay từ bây giờ. Phần tồi tệ nhất của khủng hoảng tuổi trung niên là khi ta cảm thấy không có ai bên cạnh để "trút bầu tâm sự". Bạn bè giống như một hệ thống hỗ trợ chúng ta. Họ sẽ là những người mang lại hạnh phúc cho bạn khi bạn rơi vào khủng hoảng. Hãy đề cao sức mạnh của tình bạn.
Giữ gìn và duy trì sức khỏe, vóc dáng cơ thể
Hãy đề cao tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe và rèn luyện thể thao. Chắc hẳn, ai cũng nằm lòng những lợi ích và tầm quan trọng của việc tập thể dục. Hãy thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho cơ thể của chính bạn. Tập thể dục đều đặn sẽ giúp cơ thể luôn săn chắc và giúp giảm bớt căng thẳng, lo âu. Hãy tham khảo các chuyên gia nếu cần. Tùy thuộc vào bài tập hoặc môn thể thao bạn ưa thích, việc rèn luyện thể chất cũng có thể mở ra những khởi đầu về tình bạn và thành tựu mới.
Lời kết
Nỗi sợ hãi, buồn chán, hay những cơn khủng hoảng không nhất thiết phải xuất hiện trong cuộc đời của bạn. Hãy hiểu rằng cuộc sống luôn có những thăng trầm và chuẩn bị cho những biến cố như vậy là đương nhiên. Nếu bạn cảm thấy như đang rơi vào khủng hoảng tuổi trung niên, hãy dành một chút thời gian nán lại, thư giãn và theo dõi những cảm xúc của mình, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn cảm thấy như vậy. Hy vọng việc sử dụng những lời khuyên này sẽ giúp bạn tránh, vượt qua thời gian khủng hoảng một cách êm đẹp.
Đối với một số người, khủng hoảng tuổi trung niên có thể diễn biến rất phức tạp. Nếu bạn vẫn cảm thấy tâm lí bản thân chưa vững vàng hoặc cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng, hãy đến với các chuyên gia tư vấn tâm lí để nhận sự giúp đỡ chuyên nghiệp.
Theo Doanh nhân Sài gòn