Những chàng trai trẻ, "tay xách nách mang" lượn khắp phố Sài Gòn vắng lạ

Tài xế xe công nghệ đang góp phần không nhỏ mang bữa cơm tới các gia đình tại TP.HCM. Hình ảnh những người đàn ông đi chợ, "tay xách nách mang" thực phẩm vốn lạ lẫm thì nay bỗng phổ biến trên đường phố.

Khi đàn ông đi chợ chuyên nghiệp

5h30 chiều, shipper Phạm Quang Toàn xách hai túi rau muống khá to ra khỏi chợ, đặt lên xe và nhanh chóng nổ máy. Số rau trên được một vị khách ở đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) đã đặt trước đó. Nhiều ngày nay, công việc của anh Toàn tương đối bận vào khung giờ chiều. 

Những chàng trai trẻ, tay xách nách mang lượn khắp phố Sài Gòn vắng lạ - 1
Những chàng trai trẻ, tay xách nách mang lượn khắp phố Sài Gòn vắng lạ - 2

Shipper đi chợ mua rau.

"Tôi vừa mua được chỗ rau này cho khách, mừng quá. Tranh thủ giao hàng nhanh còn chạy đơn khác", anh nói.

Anh Toàn cho biết, công việc của mình bận rộn từ khoảng một tuần trở lại đây, số lượng đơn hàng tăng cao. Nhiều người do e ngại tình hình dịch bệnh ở thành phố, không muốn đến các nơi đông người như chợ truyền thống hay siêu thị nên chủ yếu đặt mua hàng qua ứng dụng giao hàng trực tuyến.

Chưa bao giờ đi chợ mà không có bà xã đi cùng, từ một người "tù mù" thông tin về các mặt hàng thực phẩm, nay anh Toàn sắp trở thành "ông nội trợ" thực thụ.

"Chân gà khoảng 50.000 đồng/kg, ba rọi heo tầm 200.000 đồng/kg, cà chua thì 40.000 đồng/kg. Nói chung giờ chỉ có rau xanh là đắt và khó kiếm", anh Toàn vừa chạy xe vừa liệt kê giá một số mặt hàng.

Do đặc thù công việc nên đa phần lực lượng tài xế xe công nghệ là nam giới. Hình ảnh những người đàn ông đi chợ, "tay xách nách mang" thực phẩm vốn lạ lẫm thì nay bỗng phổ biến trên đường phố.

Shipper Văn Hải (26 tuổi) chủ yếu di chuyển liên tục giữa các siêu thị, cửa hàng tiện lợi từ khoảng 11h trưa tới 9h tối. Một ngày cả chục đơn hàng. Theo Hải, các sản phẩm mà khách hàng đặt đi chợ hộ thời điểm này đơn giản, chủ yếu là gạo, thịt, đồ hộp, nước giải khát,...

"Nhiều khách sau khi đặt qua ứng dụng mua hàng tại các siêu thị chưa đủ còn gọi điện nhờ tôi đi chợ mua thêm thực phẩm. Do họ nhờ đi chợ riết nên thuộc giá. Nếu có biến động thì giá cũng quanh mức đó. Tăng giảm chút".

Những chàng trai trẻ, tay xách nách mang lượn khắp phố Sài Gòn vắng lạ - 3

Chờ mua hàng trước thời điểm áp dụng giãn cách tại TP.HCM.

Tuy nhiên, tiện tuyến đường đi thì Hải mới chấp nhận mua hộ, còn chợ ở xa thì buộc phải từ chối. Bên cạnh đó, các shipper chỉ là người vận chuyển hàng hóa, không có thời gian lựa chọn các mặt hàng thực phẩm như đúng ý của người nội trợ từ xa, nói chung khách hàng đều hiểu vấn đề này. Sau vài đơn hàng bỡ ngỡ, giờ Hải không còn gặp nhiều khó khăn khi đóng vai người đi chợ cho cả một gia đình xa lạ. 

Rủi ro nghề nghiệp

Những người như Quang Toàn hay Văn Hải đang là lực lượng lao động quan trọng trong thời điểm đại dịch. Họ đóng vai trò kết nối, trung chuyển một lượng rất lớn thực phẩm trong thành phố, giúp mang bữa ăn đến các gia đình.

Thống kê từ một số địa bàn của Sở Công Thương cho thấy, việc áp dụng giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh khiến lượng người ra ngoài mua sắm nhu yếu phẩm giảm từ 50-60%, thay vào đó lượng đơn đặt hàng trực tuyến tăng chóng mặt. Sở Công Thương thành phố cũng khuyến khích các đơn vị cung ứng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giao dịch hàng hóa online.

Những chàng trai trẻ, tay xách nách mang lượn khắp phố Sài Gòn vắng lạ - 4

Tài xế công nghệ xếp hàng mua thịt trong cửa hàng tiện lợi.

Đại diện một hệ thống cung ứng lớn cho biết, từ khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM, số lượng đơn đặt mua hàng trong một ngày có thời điểm tăng gấp 15 lần ngày thường. Trong khi một đơn vị khác đã đạt mốc 15.000 đơn hàng/ngày và dự kiến có thể đáp ứng nhu cầu đặt hàng online khoảng 20.000 đơn hàng/ngày. 

Công việc bận rộn nhưng đi cùng với đó, tài xế xe công nghệ khá lo sợ bị lây nhiễm bệnh trong quá trình giao tiếp. Đặc biệt khi những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao ở TP.HCM.

Để phòng khi ra đường, nhiều shipper trang bị đầy đủ đồ bảo hộ từ găng tay, kính chắn giọt bắn, khẩu trang và cả nước rửa tay sát khuẩn đi kèm xe.

Những chàng trai trẻ, tay xách nách mang lượn khắp phố Sài Gòn vắng lạ - 5

"Trái đất này đã bị shipper xâm chiếm" - chú thích bức ảnh được chú thích đầy hài hước (Nguồn: Hội tài xế công nghệ tại TP.HCM).

"Thành phố có lệnh cấm chở người cũng đỡ lo phần nào, giảm được rủi ro. Nhưng để an toàn, ngày nào tôi cũng thay khẩu trang mới, ở phòng trọ đã mua sẵn cả chục hộp dùng dần", shipper Lê Phước (Cần Thơ) chia sẻ.

"Tôi đến cửa hàng tiện lợi nhưng không nói chuyện với nhân viên. Tôi giơ điện thoại cho họ xem yêu cầu của khách, lấy hàng xong rồi đi ngay", tài xế Hoàng Nghĩa (Long An) cho biết.

Trên các diễn đàn trao đổi thông tin của lái xe công nghệ, cũng có nhiều người quyết định sẽ không ra đường thời điểm này, chờ dịch tạm lắng xuống mới lại tiếp tục "kiếm cơm".

"Mọi người ơi, dịch nhiều lắm rồi, ở nhà đi. Không có bao nhiêu mà đem bệnh khổ cả đời. Chung tay chống dịch đi, ai cũng có gia đình cả", một tài xế chia sẻ nội dung và nhận được sự hưởng ứng của nhiều đồng nghiệp. "Ở nhà đi. Ở nhà an toàn cho mình và cho mọi người".

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động kết nối mua bán hàng trực tuyến và vận chuyển giao nhận hàng hóa bằng xe gắn máy, xe môtô hai bánh trên địa bàn phải phổ biến cho đội ngũ lái xe các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; quy tắc an toàn khi giao, nhận sản phẩm.

Ngoài ra, các đơn vị cung ứng dịch vụ phải lập và lưu trữ trên phần mềm danh sách phương tiện, lái xe, tuyến đường và các địa điểm trong quá trình di chuyển,... để khi có yêu cầu tư cơ quan chức năng thì dễ dàng truy vết.