Bình Dương:

Nhu cầu tuyển dụng tăng đột biến, doanh nghiệp chật vật tìm lao động

Trung Kiên

(Dân trí) - Hơn 600 doanh nghiệp tại Bình Dương đang có nhu cầu tuyển mới gần 71.300 lao động, tăng 20.000 người so với cùng kỳ. Do nguồn cung khan hiếm khiến các doanh nghiệp đang chật vật tìm người lao động.

Nhu cầu tuyển dụng tăng đột biến, doanh nghiệp chật vật tìm lao động - 1

Có 611 doanh nghiệp tại Bình Dương cần tuyển mới 71.249 công nhân lao động.

Theo Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương, đến nay có 611 doanh nghiệp (DN) cần tuyển mới 71.249 công nhân lao động (CNLĐ). Nhu cầu tuyển dụng tăng hơn 20.000 lao động so với cùng kỳ (năm trước từ 45.000-50.000 người). Hơn 85% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã hoạt động sản xuất trở lại sau Tết với khoảng 716.000/774.000 lao động đã đến nhà máy làm việc.

Tại khu công nghiệp (KCN) VSIP, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 20.000 lao động, KCN Bến Cát tuyển khoảng 10.000 lao động. Huyện Phú Giáo cũng có hàng chục doanh nghiệp đang rao tin tuyển dụng, nhiều DN đã liên hệ với LĐLĐ huyện, tỉnh đề nghị hỗ trợ giới thiệu lao động. 

Nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn nhưng nguồn cung khan hiếm khiến các doanh nghiệp chật vật tuyển lao động.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa, ngay từ những ngày đầu năm, nhiều công ty đã tung đội ngũ nhân sự đi tìm lao động. Các công ty tuyển dụng tự vài chục đến hàng nghìn CNLĐ.

Theo ghi nhận của PV, các doanh nghiệp ở khu vực TP Dĩ An, TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một tuyển lao động tương đối thuận lợi hơn. Trong khi đó, các địa bàn xa như huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo, thị xã Tân Uyên... doanh nghiệp tuyển dụng lao động khá khó khăn. 

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đang chịu sự cạnh tranh rất mạnh về thu hút lao động từ các tỉnh thành lân cận như TP.HCM,  Đồng Nai. Ở nhiều DN tại Bình Dương, mức lương và phúc lợi thấp nên chưa thu hút được NLĐ. Bên cạnh đó, sau Tết tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên nhiều lao động vẫn ở quê chưa muốn đi tìm việc làm trở lại.

Nhu cầu tuyển dụng tăng đột biến, doanh nghiệp chật vật tìm lao động - 2

Nhân viên công ty gỗ mang thông báo tuyển dụng ra ngã tư để tìm người lao động.

Trao đổi về nhu cầu việc làm, anh Nguyễn Hải Định (quê ở Sơn La) cho biết: "Tôi đang lựa chọn công ty để nộp hồ sơ, qua khảo sát tôi thấy mức lương cơ bản của các công ty gần giống nhau, chỉ tìm công ty có mức đãi ngộ, phụ cấp tốt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi xa quê vào Bình Dương xin việc nên cũng chưa biết được công ty nào làm việc tốt và chế độ cao".

Trước khó khăn tuyển dụng lao động của các công ty trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm (định kỳ 2 phiên/tháng, sàn giao dịch việc làm trực tuyến) thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ nghỉ việc. 

Đồng thời liên kết thông tin tuyển dụng lao động với các tỉnh có nguồn lao động để đưa lao động về Bình Dương làm việc. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi nhằm giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Cùng tìm giải pháp giúp DN, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cấp CĐ và trường Trung cấp nghề tăng cường hỗ trợ DN trong công tác tuyển dụng lao động. Một số Công đoàn cơ sở (CĐCS) có những nhóm Zalo sẽ chia sẻ thông tin tuyển dụng để cán bộ CĐCS nắm và truyền thông tin về công ty.

Bên cạnh đó, khuyến khích DN phân công bộ phận nhân sự phối hợp cùng Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trực tiếp đi các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc để nắm nhu cầu tìm việc của dân địa phương.

Đồng thời kết hợp với đoàn viên, NLĐ đã và đang làm việc tại Bình Dương để giúp DN tuyển dụng (cách làm này đã được Công ty RK huyện Bàu Bàng và Công ty TNHH Shyang Hung Cheng làm hiệu quả trong nhiều năm qua).

Ngoài ra, tổ chức CĐ cũng sẽ trao đổi, khuyến khích DN tăng chế độ phúc lợi cho công nhân và chính sách lương thưởng để thu hút lao động.