1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhu cầu trực tuyến tăng, nhân viên thương mại điện tử... "ngộp việc"

Ngọc Ánh

(Dân trí) - Nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân tăng cao khi giãn cách, nhiều nhân viên của các sàn thương mại điện tử phải giải quyết lượng việc tăng gấp đôi.

Việc tăng gấp đôi

Trong những ngày giãn cách xã hội, chị Từ Vân Sơn (SN 1999, trú tại Hà Nội) nhân viên kinh doanh của một sàn thương mại điện tử tại Hà Nội, luôn phải giải quyết khối lượng công việc nhiều gấp đôi so với trước đây.

Công việc của chị là theo dõi tình hình, chỉ số kinh doanh của các shop, sau đó đưa ra những giải pháp giúp người bán tăng số lượng đơn hàng. Chị Từ Vân Sơn hỗ trợ cho hơn 40 shop tại tất cả các gian hàng trên website của công ty. 

"Hiện tại, một số khu vực bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội, việc shipper lấy hoặc giao hàng sẽ chậm hơn thời gian dự kiến nên phát sinh rất nhiều vấn đề từ phía người bán, đơn vị vận chuyển và người mua. Tôi cũng sẽ đồng hành cùng các shop giải quyết và khắc phục những sự cố này", nữ nhân viên 22 tuổi chia sẻ.

 Dù thường xuyên làm thêm ngoài giờ hành chính nhưng chị luôn cảm thấy may mắn vì thu nhập hiện tại khá ổn định. Ngoài khoản hỗ trợ cho nhân viên trong thời điểm dịch Covid-19, chị còn được công ty cấp laptop và tai nghe để làm việc tại nhà.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Nam (SN 1997, quê Vĩnh Phúc), nhân viên của một sàn thương mại điện tử, đang tất bật chuẩn bị cho chương trình siêu khuyến mãi sắp tới.

Vào ngày 8/8 - Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN, công ty của anh Nguyễn Văn Nam sẽ đồng loạt tung ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt cho người tiêu dùng cả nước.

Để chuẩn bị cho đợt sale lớn trong năm nay, anh Nguyễn Văn Nam cùng đồng nghiệp phải thay phiên trực 24/24, kể cả ngày cuối tuần.

Tuy nhiên, nếu hoàn thành tốt công việc, vượt chỉ tiêu đề ra trong những ngày này, anh Nguyễn Văn Nam sẽ được xét thưởng "nóng". Nam nhân viên cũng nhận định với mức lương hiện tại, việc chi tiêu cá nhân khá thoải mái. Công ty cũng có chính sách đãi ngộ tốt dành cho nhân viên.

Chịu được "nhiệt"

Khoảng nửa tháng trước khi chương trình khuyến mãi bắt đầu, anh Nguyễn Văn Nam sẽ hướng dẫn các chủ shop tạo mã giảm giá cho sản phẩm, sau đó tổng hợp, cập nhật lên hệ thống của công ty.

Nhu cầu trực tuyến tăng, nhân viên thương mại điện tử... ngộp việc - 1

Anh Nguyễn Văn Nam làm việc online tại nhà (Ảnh: NVCC).

Một ngày anh hỗ trợ hơn 60 shop bán hàng. Theo anh Nguyễn Văn Nam, trung bình sẽ có khoảng 1.000 khuyến mãi cần nhập lên hệ thống, nếu không cẩn thận rất dễ bị nhầm lẫn.

"Ví dụ shop dự định bán sản phẩm đó với giá 2 triệu đồng đã khuyến mãi, nhưng tôi nhập nhầm lên hệ thống là 200 nghìn đồng thì khi chạy chương trình, tôi sẽ phải bồi thường số tiền chênh lệch đó cho shop tương ứng với số lượng sản phẩm bán ra", nam nhân viên cho hay.

Cùng quan điểm với anh Nguyễn Văn Nam, chị Từ Vân Sơn thừa nhận đôi khi chị cũng bị rối vì phải hỗ trợ, giải đáp cho nhiều shop trong cùng một lúc.

Để tránh nhầm lẫn, chị thường ghi lại câu hỏi và tên của cửa hàng vào sổ và giải đáp lần lượt từ dễ đến khó. Những trường hợp phức tạp, chị sẽ thông qua ý kiến của cấp trên trước khi thông tin đến chủ shop.

Sau hơn 4 tháng gắn bó với công việc hiện tại, chị Từ Vân Sơn nhận định ngành thương mại điện tử rất cần nhân sự nhanh nhạy, khéo léo và kiên trì. Ngoài ra, nhân sự phải chịu được "nhiệt" khi làm việc với cường độ cao.

"Tôi đã từng hỗ trợ một shop chỉ bán được 1-2 đơn mỗi ngày, tăng dần lên 8 đơn và sau đó đạt danh hiệu shop yêu thích. Qua đó, tôi nhận ra rằng kiên trì và luôn giữ cảm xúc tích cực khi làm việc thì ngay cả khi áp lực nhất vẫn có thể thành công", chị chia sẻ.