1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhóm lao động bị hành hung tại Algeria sẽ về nước vào ngày 15/11

Đại diện của Công ty Simco Sông Đà, đơn vị cử tuyển lao động Việt Nam sang Algeria làm việc, và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc), đơn vị sử dụng lao động Việt Nam, đã thống nhất được lịch đưa các công nhân Việt Nam về nước, theo đó 49 lao động sẽ về nước làm 3 đợt, dự kiến nhóm đầu tiên có 13 người sẽ về nước vào ngày 15/11 tới.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria làm việc với các lao động bị nhà thầu Trung Quốc hành hung. (Ảnh: TTXVN)
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria làm việc với các lao động bị nhà thầu Trung Quốc hành hung. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện phía Simco Sông Đà hiện đang ở Algeria để giải quyết vụ việc này cho biết 2 nhóm tiếp theo, mỗi nhóm 18 người, dự kiến sẽ về nước trong các ngày 18 và 20/11 tới.

Phía Công ty Đông Nhất Giang Tô đã hoàn thành các thủ tục hành chính tại Algeria để các lao động Việt Nam có thể về nước theo đúng lịch mà hai bên đã đề ra.

Bảy lao động có nguyện vọng muốn ở lại tiếp tục làm việc được ký phụ lục hợp đồng với định mức khoán mới.

Tuy nhiên, cũng theo nguồn tin trên hiện chưa rõ lý do tại sao cho đến lúc này lãnh đạo Công ty Simco Sông Đà tại Hà Nội chưa chuyển tiền bồi thường với mức phí là 1.700 USD/người cho phía đối tác Trung Quốc để các lao động có thể về nước theo đúng lịch đã đề ra.

Đây là số tiền chủ sử dụng lao động Trung Quốc bắt mỗi lao động Việt Nam phải bồi thường do chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Công ty Simco Sông Đà sẽ ứng trước khoản tiền này để trả cho người lao động, cộng với chi phí mua vé máy bay cho những lao động có nguyện vọng về nước.

Theo thỏa thuận hai bên đã ký ngày 1/11 vừa qua tại Alger, nếu phía Simco Sông Đà không chuyển tiền trước cho phía Trung Quốc thì các lao động Việt Nam sẽ không thể về nước.

Ngay trong ngày 11/11, phóng viên TTXVN tại Alger đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Khắc Kim, Tổng Giám đốc Công ty Simco Sông Đà, và được biết phía Simco Sông Đà đang làm các thủ tục hành chính với các cơ quan chức năng tại Việt Nam để chuyển tiền cho phía đối tác Trung Quốc nhằm đưa lao động Việt Nam về nước trong thời gian sớm nhất có thể.

Công việc này hiện đã giao cho một Phó Tổng giám đốc của công ty để thực hiện.

Trước đó, vào ngày 5/10, các công nhân Việt Nam tại Algeria đã kêu cứu vì bị chủ sử dụng lao động là Công ty Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) đánh đập.

Họ là 55 công nhân Việt Nam do Công ty Simco Sông Đà đưa sang quốc gia Bắc Phi này làm việc cho nhà thầu Trung Quốc tại một công trường xây dựng thuộc tỉnh Khenchela, cách thủ đô Alger hơn 460 km về phía Đông.

Theo các công nhân Việt Nam, hợp đồng lao động mà họ đã ký là làm theo công nhật được trả lương tháng nhưng khi sang đến Algeria thì lại bị phía chủ Trung Quốc ép chuyển sang làm khoán.

Các công nhân Việt Nam đã không đồng ý, phản đối và điều này đã dẫn đến việc họ bị phía nhà thầu Trung Quốc hành hung vào tối ngày 16/9, làm 2 công nhân bị thương là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường.

Theo TTXVN

http://www.vietnamplus.vn/nhom-lao-dong-bi-hanh-hung-tai-algeria-se-ve-nuoc-vao-ngay-1511/354772.vnp