Nhọc nhằn nghề lao công mùa dịch

Trong màn đêm tĩnh mịch, khắp các ngả đường vẫn xào xạc tiếng chổi tre của những công nhân môi trường.

Những ngày này khi các ngành, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội cùng nhiều giải pháp quyết liệt khác để phòng, chống dịch Covid-19 thì những người lao công nơi phố núi Lai Châu vẫn âm thầm ra đường làm nhiệm vụ.

Trong màn đêm tĩnh mịch, khắp các ngả đường vẫn xào xạc tiếng chổi tre, bởi nếu họ "gác chổi" đồng nghĩa với việc môi trường sống của cộng đồng sẽ tiềm ẩn những rủi ro lây lan dịch bệnh.

Nhọc nhằn nghề lao công mùa dịch - 1

Cuối mỗi ngày, khi những người kinh doanh tại khu chợ Đoàn Kết, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu dọn dẹp hàng quán để đóng cửa, thì công việc của chị Vũ Thị Kim Thêu và những công nhân môi trường đến từ Công ty trách nhiệm hữu hạn số 10 lại bắt đầu.

Vẫn đồ bảo hộ như ủng, găng tay, khẩu trang, nếu như trước đây là để đảm bảo an toàn vệ sinh, thì nay khẩu trang chị đeo có thêm chức năng phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Dù bụng đã to vượt mặt, khi thai kỳ sắp bước sang tháng thứ 8, nhưng chị vẫn bám đường triển khai công việc đều đặn mỗi ngày với chổi và xe đẩy.

Nhọc nhằn nghề lao công mùa dịch - 2

Chị Vũ Thị Kim Thêu chia sẻ, ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng, nhưng như một cái duyên, nghề lao công này đã gắn với chị từ hơn chục năm nay.

Vẫn biết rằng làm việc thời gian này sẽ đối mặt với nguy hiểm dịch bệnh, nhưng vì mưu sinh, vì nghề nghiệp đã chọn, chị cũng như nhiều anh, chị, em trong công ty vẫn luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, cho phố xá sạch đẹp hơn: "Trong mùa dịch bệnh Covid-19, người dân vẫn sinh hoạt bình thường, nên chúng tôi vẫn phải đi làm bình thường. Nhưng khi đi làm, chúng tôi cũng phải tiếp xúc rất là nhiều người. Trong khi đó trời nắng, trời mưa như thế nào thì vẫn phải ra đường, rất là vất vả cho công nhân chúng tôi".

Thành phố Lai Châu từng có ca nhiễm bệnh Covid-19 là bệnh nhân số 133 và kéo theo là hàng nghìn người thuộc diện F1, F2, F3 phải cách ly để theo dõi sức khỏe. Hiện nay, Lai Châu vẫn còn 30 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện việc cách ly và giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.

Vì vậy, hầu hết các cơ quan, đơn vị vẫn bố trí 50% cán bộ làm việc tại nhà. Điều này, đồng nghĩa với việc lượng rác sinh hoạt của các hộ gia đình, các khu chợ kinh doanh mặt hàng thiết yếu cũng tăng lên và công việc của những người lao công cũng không thể tạm dừng.

Bà Đoàn Thị Xuân, ở Tổ dân phố số 3, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu bày tỏ: "Người ta vất vả quá, chúng tôi ở đây thường xuyên chứng kiến họ đi làm sớm, về muộn. Tôi cảm nhận thấy dù vất vả, nhưng họ rất nhiệt tình, làm cả ngày cả đêm, nắng cũng như ngày mưa".

Ông Nguyễn Quốc Đạt, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn số 10, đơn vị thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Lai Châu cho biết: theo thống kê, bình quân mỗi ngày, tại thành phố Lai Châu có hơn 30 tấn rác thải ra môi trường. 

Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, song công ty luôn xác định triển khai nhiệm vụ một cách đầy đủ và nghiêm túc: "Trước đơn vị có 40 người, bây giờ rút đi 10 người, rác thải nhiều nên người dọn cũng vất vả. Nhất là thời điểm dịch bệnh mà người dân thì vẫn trong nhà hết, còn công nhân của chúng tôi ngày nào cũng phải đi làm. Chúng tôi rất mong muốn đợt này có thể hỗ trợ cho những công nhân này thêm các thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang".

Công việc của những người lao công ngày thường đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nhiễm bệnh, nay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nên nguy cơ nhiễm bệnh càng cao hơn. Dù cũng có những băn khoăn, lo lắng nhất định, song bằng trách nhiệm, sự nhiệt huyết, mỗi cán bộ, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn số 10 vẫn thầm lặng thực hiện nhiệm vụ, qua đó, tích cực cùng các ngành, các cấp ở tỉnh nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.

Theo Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc