Người đàn ông bế con trong đêm khiến nữ lao công rụng rời

Là công nhân vệ sinh môi trường không ít lần chị Tuyết chạnh lòng khi các con tự ti về công việc của mẹ. Một lần chị đến trường đón con, con bảo: “Từ lần sau mẹ đừng mặc quần áo lao công đến đón con nữa”.

Đôi mắt đỏ hoe, chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1975, công nhân vệ sinh môi trường tổ 16, khu Thái Hà, phường Trung Liệt, Hà Nội) tâm sự với chúng tôi về những vui, buồn sau 24 năm trong nghề.

Nữ lao công cho biết: “Tôi làm nghề này 24 năm thì chỉ có 1 năm sinh con, được ăn Tết và đón giao thừa ở nhà”.

Cũng theo chị Tuyết, chị chủ yếu làm ca đêm. Đều đặn mỗi ngày chị bắt đầu công việc của mình từ 17 giờ chiều và kết thúc vào 2 giờ sáng ngày hôm sau. Lập gia đình, chị vẫn duy trì giờ giấc làm việc như vậy.

Chị Tuyết chuẩn bị đồ đi làm. Ảnh: Nhật Linh
Chị Tuyết chuẩn bị đồ đi làm. Ảnh: Nhật Linh

“Lúc sinh con thứ 2 được 6 tháng thì tôi quay trở lại với công việc. Ngày đó, trời mùa đông rét căm căm. Tôi đi làm ngực căng tức sữa, trong khi con ở nhà khát sữa khóc ngằn ngặt. Là một người mẹ tôi không khỏi tủi thân”, chị nhớ lại những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời mình.

Chị nói tiếp: “Cứ đến 12 giờ đêm là con gái tôi khóc tìm hơi sữa mẹ, bố dỗ kiểu gì cũng không nín. Trời mưa rét, anh ấy một tay bế con nhỏ, một tay dắt con lớn đi ra ngõ. Ba bố con đợi mẹ về”.

Vẫn theo lời chị Tuyết, khi chị về đến đầu ngõ, thấy chồng con đứng đợi, tim chị như thắt lại...

Đôi lần, cô con gái đầu bẽn lẽn nói với chị: “Mẹ ơi, con thèm ngủ với mẹ một đêm… ”. Câu nói của con gái như xoáy sâu vào trái tim chị.

Người nhà khuyên chị tìm công việc khác làm hoặc đổi sang ca ngày để tối ở nhà với con. Nhưng rồi đêm khuya trên cung đường quen thuộc, chị vẫn cần mẫn dưới ánh đèn. “Dẫu sao nghề đã ăn vào máu tôi rồi, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, vậy việc nặng phần ai?”, người phụ nữ 47 tuổi bộc bạch.

Giờ con gái lớn của chị đã học đại học năm nhất, con gái út đang học cấp 2. Đôi lần chị chạnh lòng khi con tự ti về việc mẹ là công nhân vệ sinh môi trường.

Chị nói: “Ngày các cháu còn bé thì không sao nhưng khi lớn thì chúng nó cũng ngại ngần hơn”. Một lần chị đến trường đón con, con bảo: “Từ lần sau mẹ đừng mặc quần áo lao công đến đón con nữa”.

Hiểu được suy nghĩ của con gái, chị nhẹ nhàng: “Con nên tự hào vì mẹ nuôi các con ăn học bằng nghề này chứ mẹ đi không ăn cắp, ăn trộm. Làm nghề nào cũng đáng được trân trọng, miễn là trong sạch”. Nói đến đây chị Tuyết khẽ chấm nước mắt.

Công việc vất vả sớm hôm, tảo tần cáng đáng trên vai 4 miệng ăn khi chồng chị nghỉ mất sức. Tuy nhiên những tình cảm ấm áp của người dân đã giúp chị có thêm động lực và trân quý công việc mình đang làm.

Chị cho biết, thời gian chị mang thai con gái đầu lòng, kinh tế khó khăn, chị xin cơ quan cho mình làm đến ngày sinh mới nghỉ. Tháng cuối thai kỳ, bụng to khệ nệ, bà con thấy chị đẩy chiếc xe chứa cả “núi” rác liền chạy ra hỏi thăm, đưa cho cốc nước uống…

Hôm đó, dù chưa đến ngày dự sinh nhưng chị lên cơn co, đau đẻ giữa đường. Đang đẩy xe rác, đau quá không chịu được, chị ngồi sụp xuống đất. Người dân đi đường xúm lại giúp đỡ đưa chị đi viện. “Lần đó tôi suýt đẻ giữa đường”, người lao công nhớ lại khoảnh khắc xúc động.

Kỷ niệm khiến chị nhớ nhất là Tết năm 2016 khi nhiều gia đình quây quần, đón thời khắc giao thừa, chị vẫn mải miết quét đường. Đồng hồ điểm 12 giờ, chị lặng lẽ ngắm dòng người xúng xính áo quần đi trên phố. Vậy là thêm một giao thừa nữa chị không ở bên chồng con.

Đang miên man suy nghĩ thì chị bất ngờ chiếc xe ô tô sang trọng đỗ lại. Một gia đình đi chơi giao thừa bước xuống chúc Tết và mừng tuổi cho chị.

“Họ còn tặng tôi mấy cái bánh chưng, tấm lòng của họ khiến tôi thấy ấm áp và cảm động lắm.

Làm nghề này, nhiều người coi thường nhưng cũng không ít người quý mến, trân trọng. Với những công nhân môi trường như chúng tôi, được người dân hỏi thăm, quan tâm là thấy quý lắm rồi”, chị cười tâm sự.

Theo Minh Anh - Nhật Linh/Vietnamnet.vn